Nếu trong vài thập niên trước đây, mục tiêu điều trị hầu như chỉ là chữa cháy cầm canh, còn nước còn tát, ít nhiều trông mong vào may rủi thì thầy thuốc hiện nay không còn thất thế khi phải đối đầu với ung bướu ác tính.
Cầm chân ung thư
Nếu trước đây, tiên lượng của bệnh được phỏng chừng một cách bi quan theo số năm bệnh nhân còn hy vọng cầm cự qua ngày thì hiện nay, nhiều trường hợp nếu được phát hiện sớm, không còn quá nhiêu khê để cầm chân ung thư.
Nói một cách lạc quan hơn, ung thư không còn là căn bệnh chẳng khác nào bản án tử hình không báo trước ngày thi hành án vì thầy thuốc phải bẽ bàng khi bắt tay vào việc trên tinh thần sớm muộn cũng thua! Trái lại, thống kê của ngành y trong thập niên gần đây cho thấy tỉ lệ sống khỏe nhiều năm sau khi được điều trị bằng liệu pháp đặc hiệu đang được cải thiện thấy rõ.
Điều đáng nói là tỉ lệ tử vong vì ung thư rõ ràng không đồng nhất nếu so sánh nơi này với nơi khác. Con số trường hợp đau buồn tất nhiên tùy thuộc mức độ tác hại của loại ung bướu, cơ tạng của bệnh nhân khi phát hiện bệnh cũng như kinh nghiệm điều trị của thầy thuốc. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp nghiêm trọng, yếu tố quyết định chính là liệu pháp hỗ trợ trong giai đoạn hậu ung thư.
Nhiều công trình thống kê kéo dài hàng chục năm với cả trăm ngàn đối tượng cho thấy bệnh nhân không chỉ sống còn, không chỉ sống lâu mà còn sống với chất lượng như mong muốn nếu nạn nhân của ung thư được tiếp tục theo dõi định kỳ để thầy thuốc can thiệp đúng lúc.
Điểm đáng mừng là tỉ lệ di căn rõ ràng giảm đáng kể nếu bệnh nhân được thường xuyên tăng cường sức đề kháng bằng hoạt chất sinh học có công năng bảo vệ cấu trúc của tế bào trước tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt, trước độc chất sinh ung thư trong phụ gia của thực phẩm công nghệ… Chẳng hạn:
- Betaglucan trong các loại nấm nên thuốc như linh chi, đông trùng hạ thảo, đông cô, hầu thủ, thái dương …
- Polyphenol trong dược thảo như hồng sâm.
- Anthocyanin trong trái cây, trong mễ cốc có màu đậm như việt quất, phúc bồn tử, gạo hắc trân châu, gạo huyết rồng, nếp cẩm …
- Tiền sinh tố A trong rau trái màu vàng cam như dầu gấc.
- Chất đạm kháng ôxy hóa trong tảo spirulina, chùm ngây, gạo mầm.
Hậu ung thư: Thời điểm nhạy cảm
Tác dụng phòng chống di căn ung thư tất nhiên càng rõ nét nếu hoạt chất thiên nhiên thuộc nhóm “phòng ngừa” được kết hợp trong phác đồ điều trị đặc hiệu, càng sớm càng tốt, để vừa nâng đỡ tổng trạng của người bệnh vừa giới hạn phản ứng phụ khó tránh của thuốc hóa trị, của xạ trị. Kết quả nghiên cứu đối chứng cho thấy liệu pháp điều trị ung thư kết hợp với hoạt chất sinh học kháng ung thư có hiệu quả nhanh hơn, liệu trình ngắn hơn và nhất là ít phản ứng phụ bất lợi cho người bệnh như thiếu máu, rụng tóc, đau khớp…
Trận chiến chống ung thư không thể ngày một ngày hai. Sức đề kháng của người bệnh, ngay cả trong trường hợp chữa chạy hiệu quả, khó tránh không bị soi mòn vì bệnh, vì sợ bệnh, vì phản ứng phụ của thuốc, vì tác hại khó tránh của hóa trị. Thời gian hậu ung thư vì thế là thời điểm vô cùng nhạy cảm, không chỉ vì đòn đánh nguội, đánh lén của tế bào ác tính. Đó là cơ hội để nhiều bệnh chứng nghiêm trọng khác thừa nước đục thả câu. Do đó, cần có chương trình tầm soát hậu ung thư định kỳ thay vì thờ ơ cứ như xuất viện là hết bệnh.
Đó cũng chính là lý do khiến thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện đã từ lâu đặt mục tiêu tăng cường sức đề kháng trong giai đoạn hậu ung thư ngang hàng với liệu pháp đặc hiệu. Đó cũng là động cơ khiến nhiều nhà điều trị ở khắp 5 châu đang vận dụng hoạt chất thiên nhiên đã được xác minh tác dụng qua kiểm nghiệm lâm sàng để vừa bọc lót các cơ quan trọng yếu vừa mài nhọn sức đề kháng thay vì phó mặc may rủi cho định mệnh.
Tìm về thiên nhiên bằng cách sàng lọc kinh nghiệm của y học cổ truyền với khoa học thực nghiệm là con đường phục hồi hợp lý và an toàn cho người bệnh ung thư. |
Bình luận (0)