Ở các nước có nền công nghiệp chưa phát triển như nước ta, do yếu kém về điều kiện nguồn nước, thực phẩm và vệ sinh con người, tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP chiếm đến 90% dân số. Đặc biệt, có khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày, 90% bệnh nhân loét tá tràng có sự hiện diện của HP ở niêm mạc dạ dày.
HP kháng thuốc rất nhanh
Để xác định có bị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng hay không và nhất là viêm loét có do nhiễm HP không, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày và chẩn đoán nhiễm HP bằng các phương pháp xét nghiệm dựa trên mẩu mô sinh thiết (khi nội soi, bác sĩ sẽ cắt một mẫu rất nhỏ niêm mạc để xem xét). Nếu bác sĩ yêu cầu xét nghiệm nội soi, người bệnh nên tuân thủ để được xác định tình trạng bệnh như thế nào.
Tiệt trừ HP rất khó vì vi khuẩn này phát sinh tính đề kháng, tức chống lại tác dụng của kháng sinh, rất nhanh. Để đối phó với tính đề kháng rất nhanh của HP, các nhà khoa học y dược luôn theo dõi và tìm ra các phác đồ điều trị mới hiệu quả thay cho các phác đồ bị thất bại. Đầu tiên phải dùng phác đồ ban đầu 3 loại thuốc và phác đồ chuẩn này đòi hỏi phối hợp 3 loại thuốc: omeprazol hoặc một thuốc ức chế bơm proton khác kết hợp 2 kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin. Khi phác đồ ban đầu 3 loại thuốc thất bại phải dùng phác đồ 4 thuốc (có 2 kháng sinh, gồm omeprazol + bismuth subsalicylat + tetracyclin + metronidazol). Thất bại nữa phải dùng phác đồ 4 thuốc điều trị "liên tiếp" (có 3 kháng sinh, gồm 5 ngày đầu: omeprazol + amoxicillin, 5 ngày sau: omeprazol + clarithromycin + metronidazol). Mới đây nhất là phác đồ "cứu vãn", đây là phác đồ dùng sau cùng khi các phác đồ vừa kể thất bại, đặc biệt phải dùng các kháng sinh mới là levofloxacin hoặc rifabutin.
Phải có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; tránh căng thẳng thần kinh, phiền muộn thái quá để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn HP. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều
Lưu ý khi dùng thuốc trị HP
Người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán xác định bệnh. Bởi lẽ tùy theo mức độ bệnh - như rối loạn tiêu hóa (có triệu chứng giống loét nhưng chẩn đoán xét nghiệm không loét), viêm và nặng hơn là loét - mà chế độ điều trị bằng thuốc có khác nhau. Riêng loét dạ dày rất cần khám thường xuyên vì bệnh lý này có nguy cơ trở thành ung thư dạ dày, cần phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.
Thời gian trị viêm loét dạ dày - tá tràng thường kéo dài (có khi cả tháng, thậm chí kéo dài hơn), đòi hỏi người bệnh phải thật kiên trì, dùng đủ và đúng thuốc. Tránh tình trạng bỏ thuốc nửa chừng hoặc đang điều trị nhưng lại "đổi thầy, đổi thuốc lung tung".
Không tuân thủ điều trị là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điều trị diệt trừ HP thất bại. Bác sĩ cần dành thời gian tư vấn, giải thích cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ (dùng kháng sinh có thể bị tiêu chảy) cho bệnh nhân sẽ giúp làm tăng tỉ lệ tuân thủ và tỉ lệ diệt trừ thành công.
Bên cạnh việc dùng thuốc, phải có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh sự xúc động, căng thẳng thần kinh, phiền muộn thái quá.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ việc điều trị. Người bệnh vẫn cần ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem quá đáng. Có 2 thái cực cần tránh trong ăn uống: không để đói quá mới ăn nhưng cũng không nên ăn no quá. Có thể ăn nhiều bữa, rải đều trong ngày. Tránh hoặc hạn chế dùng các loại thực phẩm, gia vị, các chất như rượu, thuốc lá có tác dụng kích thích làm tăng tiết nhiều axít dịch vị. Bệnh nhân nên tạm ngưng hút thuốc lá và không uống rượu bia trong thời gian điều trị diệt trừ HP vì có thể làm giảm hiệu quả.
Nếu tránh được các yếu tố nguy cơ và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định, ta có thể giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn HP.
Hiếu khách, thân tình nhưng có hại
Việc điều trị HP rất khó khăn nên từ lâu, người ta nghĩ đến việc phòng ngừa, tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống "chung đụng". Thông thường khi ăn uống, người Việt luôn có thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách. Một số người còn dùng đũa "khua khoắng" hết miếng này đến miếng khác trên đĩa chung trước khi gắp được một miếng ưng ý đưa vào miệng mình và rồi lại dùng đũa để gắp. Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng lại là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí nhiễm nhiều bệnh lây qua đường miệng khác như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E.
Bình luận (0)