Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam tạm ngừng tiêm một loại vắc-xin nào đó để làm rõ nguyên nhân. Năm 2006, Bộ Y tế đã từng yêu cầu ngừng tiêm vắc-xin Priorix (ngừa sởi, quai bị, Rubella) trên toàn quốc sau khi có thông tin về một số trẻ bị tai biến sau khi tiêm vắc-xin này, trong đó một trẻ tử vong, để làm rõ nguyên nhân tử vong.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực an toàn vắc-xin tiêm chủng, GS Bảng cho rằng để ngăn chặn các tai biến, phải tìm hiểu kỹ thể trạng, cơ địa trẻ có từng bị dị ứng hay mẫn cảm với thành phần nào của vắc-xin. Khâu này ở nhiều phòng tiêm chủng chưa làm được. Bởi vậy, khi có tai biến thì không xác định được nguyên nhân.
Có một điểm đáng lưu ý là từ những năm trước, WHO đã khuyến cáo nên dùng vắc-xin ho gà vô bào. GS Bảng cho biết: “Một trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin dù không phải do lỗi vắc-xin thì cũng vẫn gây cho gia đình những đau đớn hơn nhiều nếu trẻ đó tử vong do bệnh tật. Bởi vậy, với vắc-xin tiêm phòng, tính an toàn phải đặt lên hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên mà trước đó, các nước như Ấn Độ, Nepal, Pakistan cũng đã ngưng sử dụng loại vắc-xin Quinvaxem”.
Nhiều lần trước đó, khi được chất vấn về các ca tai biến xảy ra liên tục sau khi tiêm, một chuyên gia y tế Việt Nam luôn khẳng định rằng tỉ lệ tai biến của vắc-xin Quinvaxem “trong mức cho phép” của WHO. Tuy nhiên, GS Nguyễn Đình Bảng nhấn mạnh: “WHO chỉ chấp nhận vắc-xin có thể gây phản ứng; sốt, sưng tại vết tiêm, đỏ da chứ không có tiêu chuẩn cho tử vong đối với bất cứ loại vắc-xin nào”.
Bình luận (0)