Chiều 5-2, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay nơi đây vừa phẫu thuật điều trị cứu bé gái T.T. (8 tuổi, ngụ tỉnh Đăk Lăk) bị hoại tử chỏm xương đùi mà không biết. Trước đó, bé T. nhập viện trong tình trạng chân đau, đi khập khiễng.
Qua thăm khám, kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ xác định bé bị hoại tử chỏm xương đùi trái vô trùng kèm theo bán trật khớp háng trái bẩm sinh, cần phẫu thuật điều trị, tránh những biến chứng nặng nề về sau.
Chỏm xương đùi bé gái bị hoại tử
Ca phẫu thuật do BS.CKII Phan Văn Tiếp, chuyên gia lĩnh vực chấn thương chỉnh hình nhi, trực tiếp thực hiện, làm rộng độ che phủ chỏm xương đùi, chỉnh hình ổ cối theo phẫu thuật Salter. Sau phẫu thuật, tình trạng bé đã ổn định, sẽ tháo bột sau 2 tháng, kèm tập vật lý trị liệu.
Người nhà bé T. cho hay thấy con có dáng đi khập khiễng hay than đau chân cách đây đã lâu nhưng cứ nghĩ do hiếu động hay chạy nhảy nên bị đau chân do nhức mỏi ở trẻ con. Dù gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám tư gần nhà nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn nên đưa vào TP HCM để được cứu chữa.
Sau phẫu thuật, bé gái còn phải mất nhiều thời tập luyện để phục hồi
Theo bác sĩ Tiếp, bệnh hoại tử chỏm xương đùi ở trẻ em thường dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp, đau nhức thông thường. Bệnh do rất nhiều nguyên nhân như viêm khớp háng thoáng qua, chấn thương, bệnh về máu, làm cho chỏm xương đùi bị thiếu máu nuôi. Trong đó, nguyên nhân nhiều nhất là viêm khớp háng. Ở giai đoạn 1 sẽ điều trị bảo tồn như: đi không chống chân, có mang nẹp dang háng trong vòng 18 tháng để phòng ngừa hoại tử chỏm. Nếu chẳng may bị hoại tử chỏm, tùy theo mức độ mà bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị cho trẻ.
"Đây là bệnh rất ít gặp nên nếu bác sĩ không chuyên về chỉnh hình nhi sẽ rất dễ bỏ sót. Nếu thấy trẻ nhỏ từ lúc biết đi có dáng đi khập khiễng, chân ngắn, teo cơ đùi, đau gối, đau khớp háng, giới hạn cử động như gập chân, chạy nhảy, đi không được cần đến khám tại các bệnh viện lớn có đầy đủ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm", BS Tiếp khuyến cáo.
Bình luận (0)