Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), chỉ trong tháng 9 vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận tới 12 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc cồn công nghiệp, trong đó 6 người đã tử vong.
Tuy các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng giống say rượu nhưng dựa vào triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ đã nghi ngờ họ ngộ độc cồn công nghiệp methanol, sau đó kết quả kiểm tra độc chất đã xác định điều này.
PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng và TS-BS Hoàng Văn Quang kể lại các vụ việc
TS-BS Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện Thống Nhất, cho biết các ca bệnh chủ yếu tập trung trong 2 tuần vừa qua, trong đó hôm qua 29-9 đã có liên tục 3 ca.
Ca đầu tiên là một người đàn ông (sinh năm 1952) nhập viện nguy kịch, toan chuyển hóa cực nặng, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch, cho lọc máu sớm. Đến nay, bệnh nhân nằm trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng dù đã cải thiện được tình trạng toan chuyển hóa, tiên lượng vẫn dè dặt.
Bệnh nhân này nhập viện với nồng độ methanol lên tới 160 mg/dL, gấp 8 lần mức gây ngộ độc, gấp đôi mức tiên lượng tử vong.
Đáng tiếc hơn là con trai của bệnh nhân nói trên (sinh năm 1980) cũng là người đưa bố vào viện cấp cứu. Nhận thấy anh cũng "đi liêu xiêu'', các bác sĩ đã thuyết phục người nhà phải cố đưa anh trở lại bệnh viện. Tuy nhiên khi nhập viện vào đêm 29-9, người con trai này cũng đã rơi và nguy kịch, ngưng tim sau 1 tiếng lọc máu.
Cũng trong ngày, 1 cụ công 71 tuổi khác cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nồng độ methanol lên tới 120 mg/dL, do tiên lượng nặng khó qua khỏi nên người nhà đã xin đưa cụ về. Một người đàn ông tên B., 38 tuổi khác nhập viện cách đây 2 ngày vẫn đang nằm trong ICU, đã điều trị tình trạng nhiễm toan nhưng vẫn hôn mê sâu do nhập viện trễ sau khi uống ''rượu'' đã lâu.
Anh B. dù đã được điều trị tình trạng nhiễm toan nhưng vẫn còn hôn mê sâu (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Trước đó, 2 người đàn ông khác được cứu sống từ bữa tiệc 4 người nhưng một người mất đi 50% thị lực, một người thị lực chỉ còn rất yếu. Họ cho biết 2 ''bạn nhậu'' đã tử vong tại nhà. Tại bữa tiệc, mỗi người uống khoảng nửa lít ''rượu''.
PGS Hồ Thượng Dũng cho biết các trường hợp đáng tiếc trên đều xuất phát từ nhóm người lao động nghèo. "Rượu'' bị pha chế bằng cồn công nghiệp methanol có giá rẻ hơn nhiều rượu thật (ethanol), nên họ đã sử dụng.
Tâm lý bị ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách có thể là nguyên nhân khiến những người này thường xuyên sử dụng rượu. Ngộ độc methanol nhẹ, nhập viện sớm vẫn cứu được nhưng uống quá nhiều, uống thường xuyên, hệ thần kinh trung ương và các cơ quan đã bị tổn thương thì sẽ rất nguy hiểm.
Do vụ việc có tính chất phức tạp nên Bệnh viện Thống Nhất đã báo cáo với Sở Y tế TP HCM và cơ quan công an các phường, quận liên quan.
Bình luận (0)