Đại dịch cúm A (H1N1)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, cho đến lúc này kế hoạch tiêm vắc-xin cúm A/H1N1 cho đối tượng nguy cơ cao không có gì thay đổi. Đối tượng được ưu tiên vẫn là 800.000 phụ nữ mang thai từ tháng thứ 4 trở lên và khoảng 280.000 cán bộ y tế có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc bệnh phẩm cúm A/H1N1 trên toàn quốc.
Chờ thử nghiệm độ an toàn
Kế hoạch tiêm hiện đã chính thức được Bộ Y tế hoàn thành và trình Chính phủ. Kinh phí cho triển khai chiến dịch tiêm 1,2 triệu liều vắc-xin lên đến 41 tỉ đồng. Tuy nhiên, vắc-xin cúm A/H1N1 đại dịch là vắc-xin mới hoàn toàn.
Vì vậy, theo ông Huấn phải thực hiện đầy đủ các quy trình như quy định vẫn được áp dụng lâu nay với các vắc-xin mới. Vắc-xin phòng cúm A/H1N1 sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên động vật và trên người tình nguyện cả về tính an toàn và tính hiệu qủa trước khi cấp phép lưu hành.
Trong quá trình thử nghiệm, nếu xảy ra tai biến bất thường thì sẽ ngừng ngay việc thử nghiệm cũng như ngưng sử dụng tiêm cho cộng đồng.
Theo kế hoạch, việc tiêm phòng vắc-xin cúm sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 12-2009 đến tháng 2-2010, tuy nhiên theo ông Huấn, hiện tại, số vắc-xin cúm A/H1N1 để VN thử nghiệm độ an toàn vẫn chưa về đến VN.
Điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới Trung ương
Trong khi đó, thời gian để hoàn thành các công đoạn thử nghiệm cũng phải kéo dài từ 3-6 tháng. Như vậy, nhiều khả năng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cúm A/H1N1 cho đối tượng nguy cơ cao sẽ phải lùi lại.
Cũng theo ông Huấn, ngoài 1,2 triệu liều vắc-xin VN được viện trợ, cũng có một số nhà cung cấp vắc-xin chào bán nhưng Bộ Y tế đang xem xét thẩm định hồ sơ.
Chỉ định phải chặt chẽ
Sau khi có những nghi vấn xung quanh thông tin dịch cúm A/H1N1 là giả, một số nước châu Âu, trong đó có Pháp đã bán lại với giá rẻ hàng triệu liều vắc-xin chống cúm A/H1N1 mà nước này đã mua trước đây, với lý do số lượng dự trữ quá nhu cầu sử dụng. Một số quốc gia khác như Đức, Anh... người dân cũng không mặn mà gì với việc tiêm phòng vắc-xin phòng cúm A/H1N1.
Trước sự cố này, ông Huấn cho rằng nếu dịch bùng phát mạnh, nguồn vắc-xin phòng cúm A/H1N1 này sẽ được sử dụng để giảm tỉ lệ mắc và tử vong do cúm A/H1N1 đại dịch. Nếu dịch thoái lui thì số vắc – xin này sẽ trở thành một loại vắc-xin phòng cúm mùa thông thường. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, số người dân VN hằng năm đi tiêm vắc-xin phòng cúm thường (A/H1N1 thường, A/H3N2 và cúm B) không nhiều.
Trong khi đó, GS Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học VN, khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh là điều cần thiết, nhưng trước khi tiêm cần phải khảo sát rất cụ thể về loại vắc-xin đồng thời xem kỹ quá trình sản xuất, thử nghiệm trên người ở các quốc gia, khi tiêm phải có chỉ định thật sự chặt chẽ. Tuyệt đối không để người dân trở thành vật thử nghiệm cho các nhà sản xuất vắc-xin.
Nâng vai trò Tamiflu lên quá cao ! Theo GS-VS Phạm Song, những thông tin mà Ủy ban Y tế của Hội đồng châu Âu đưa ra rất đáng chú ý. Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đại dịch cúm A/H1N1 trong năm 2009 là hoàn toàn hợp lý. |
WHO sẽ xem xét cách thức xử lý Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Fadela Chaib hôm 12-1 cho biết sẽ xem lại cách thức xử lý đại dịch cúm A/H1N1 của họ sau khi một số chính trị gia cáo buộc WHO đã phóng đại mối nguy hiểm của dịch bệnh này trước sức ép của các công ty dược.
|
Bình luận (0)