Những ngày này, thời tiết tại các tỉnh Nam Bộ nói chung, TP HCM nói riêng nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ C. Vì vậy, đối với người phải làm việc, tập luyện ngoài trời dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe như ngất xỉu, say nắng, bỏng da…, trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Dân chuyên nghiệp cũng không chịu nổi nắng nóng
Ngày 8-5, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi T.T.K (14 tuổi, ngụ Long An) bị tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate máu tăng vì sốc nhiệt đã được xuất viện.
Vận động viên marathon thi đấu tại SEA Games 32 bị ngất xỉu được các bác sĩ sơ cứu .Ảnh: QUANG LIÊM
Trước đó, bệnh nhi K. được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tự thở qua nội khí quản, sốt 39 độ C, da khô nóng…, chẩn đoán ban đầu là sốc nhiệt do vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng. Trước khi nhập viện, K. tập chạy quanh sân bóng của trường khoảng 10 vòng, mỗi vòng trung bình 400 m trong 30 phút. Sau khi chạy xong, em than mệt, vã mồ hôi, chuột rút, nhức đầu và ngất xỉu nên được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.
K. là học sinh năng khiếu bộ môn điền kinh. Trước nay, sức khỏe, thể lực của em tốt, không mắc bệnh nền. Hằng ngày, em vẫn cùng các bạn trong lớp chạy khoảng 4 km trong khoảng 20 phút. Bác sĩ Tiến nhận định K. là học sinh năng khiếu môn điền kinh nên với cự ly chạy trên là phù hợp với thể trạng. Tuy nhiên, do môi trường nắng nóng khiến nhiệt độ trung tâm cơ thể vượt mức cho phép nên em rơi vào tình trạng sốc nhiệt.
Không chỉ trường hợp em K., nhiều vận động viên đang thi đấu tại SEA Games 32 ở Campuchia cũng bị kiệt sức, sốc nhiệt vì vận động trong điều kiện thời tiết nắng nóng cực độ. Thậm chí, có vận động viên phải bỏ cuộc tại phần thi marathon vào sáng 6-5.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Y học thể thao Viện Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết hiện một số khu vực ở nước ta nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C. Riêng tại TP HCM không chỉ nắng nóng mà tia UV lên đến mức cực đại. Vì vậy, người chơi thể thao ngoài trời đang phải đối mặt với "nguy cơ kép" là bỏng da - sốc nhiệt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người đam mê thể thao phải gác lại niềm đam mê trong suốt mùa hè này. Để duy trì tập luyện với những môn thể thao ngoài trời, bác sĩ Lộc khuyến cáo như sau:
Mặc đồ thể thao có chất lượng tốt, thoáng mát, mỏng nhẹ. Bởi đồ thể thao đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc che phủ da tránh khỏi những tác động tiêu cực từ tia UV. Ngoài ra, đồ thể thao mỏng nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt sẽ không gây cản trở quá trình thải nhiệt và giúp tránh nguy cơ mắc các bệnh da liễu.
Che nắng những vị trí quan trọng trong cơ thể như sau gáy. Vì khu vực này có trung tâm điều hòa nhiệt độ cơ thể, nếu để nắng chiếu trực tiếp vào quá lâu sẽ khiến trung tâm này bị rối loạn. Tuy nhiên, việc che nắng cần được chú ý để tránh hiện tượng che phủ quá mức khiến nhiệt độ ở vùng gáy tăng cao do cản trở quá trình thải nhiệt.
Tránh tập luyện vào những khung giờ cao điểm nắng nóng (10 giờ đến 15 giờ). Ngoài ra, cần duy trì nhịp tim vào khoảng 60% ngưỡng tim tối đa. Cách tính đơn giản là lấy 220 trừ đi số tuổi. Trong điều kiện nắng nóng, cơ thể chưa thích nghi tốt, người tập luyện cần hạ cường độ sao cho nhịp tim lúc chạy bộ chỉ vào khoảng 50% - 60% ngưỡng tim tối đa.
Riêng đối với học sinh, khi tập luyện thể dục ngoài trời cần chú ý hạ cường độ tập luyện của các em (không vượt quá 60% so với các chương trình tập luyện bình thường). Cho trẻ tập thể dục trước 9 giờ, mặc đồ thoáng mát và không quên cho trẻ bổ sung nước điện giải. Ngoài ra, nhà trường nên thiết kế sân chơi, nơi tập luyện thể thao thoáng mát, có mái che.
Xử trí, phòng ngừa sốc nhiệt tránh nhầm lẫn
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, khác với sốc nhiệt là sốt. Sốt là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc viêm, không liên quan nhiệt độ môi trường và đáp ứng với thuốc hạ sốt; trong khi sốc nhiệt không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Để nhận biết dấu hiệu một người bị sốc nhiệt, bác sĩ Tiến nêu rõ triệu chứng thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi chuột rút, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt. Nếu người bị sốc nhiệt không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao trên 40 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt. Khi bị nặng sẽ ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.
"Khi bị sốc nhiệt thì không được cạo gió, không xức dầu nóng, không quấn kín. Điều cần làm là đưa nạn nhân ra khỏi chỗ nắng, nóng, cho nằm nghỉ ở nơi thoáng mát; nới rộng quần áo hoặc bỏ bớt; dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt, tản nhiệt dễ dàng hơn. Phải theo dõi cho đến khi thân nhiệt bệnh nhân xuống dưới 38 độ C và cho uống nhiều nước.
Chú ý phòng bệnh cho trẻ
Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Ngọc Phú, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết sức khỏe của trẻ em luôn chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết.
Tỉ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn nên thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết nhiều mồ hôi để giải nhiệt khiến trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công.
Có 3 nhóm bệnh thường gặp ở trẻ trong thời gian này gồm: các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn; bệnh hô hấp do các loại siêu vi và các bệnh viêm da, nhọt da. Để giữ sức khỏe cho trẻ trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần bổ sung lượng nước đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây; giữ môi trường sống trong lành; vệ sinh tay, chân thường xuyên nhằm hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm; tiêm vắc-xin đầy đủ.
Bình luận (0)