xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vị bác sĩ của 16.000 dân

TỬ TRỰC

Không những nhiều năm tận tụy chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn người dân, bác sĩ Phạm Hồng Thái còn nhận nuôi một trường hợp bị tâm thần mấy chục năm qua

Về xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu, hầu như ai cũng biết. Nhiều người còn gọi ông với cái tên trìu mến "vị bác sĩ của 16.000 dân Bình Châu".

Đối xử với dân như người nhà

Chúng tôi đến tìm bác sĩ Thái lúc ông đang tất bật thăm khám cho hàng chục người dân tại Trạm Y tế xã Bình Châu. Dù chỉ là một trạm y tế cấp xã nhưng so với nhiều nơi khác, trạm y tế này chẳng khác nào một bệnh viện bởi trung bình mỗi ngày, ở đây tiếp nhận ít nhất từ 50-70 bệnh nhân và phần lớn đều do bác sĩ Thái thăm khám.

Khi thấy chúng tôi hỏi chuyện về bác sĩ Thái, ông Nguyễn Giàu (73 tuổi, ngụ xã Bình Châu) góp chuyện. Ông cho biết người dân ở xã Bình Châu này ai cũng nể trọng, quý mến bác sĩ Thái. "Hơn 70 tuổi, tôi tiếp xúc rất nhiều cán bộ, người này, người kia nhưng tôi chưa thấy ai nhiệt tình, hết lòng vì cộng đồng như thế. Chú Thái đối xử với người dân nghèo chúng tôi giống như người nhà của mình. Chú Thái cũng không quan liêu, hách dịch. Nhiều lúc đau ốm đêm khuya, chỉ cần gọi điện, chú Thái tới liền... Không phải riêng tôi, người dân cả cái xã Bình Châu này đều biết tới lòng nhiệt tình của chú Thái. Bởi vậy, bây giờ cứ ai đau ốm gì đều tới tìm bác sĩ Thái" - ông Giàu nói.

Vị bác sĩ của 16.000 dân - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Hồng Thái đang thăm khám cho người dân Ảnh: TỬ TRỰC

Tốt nghiệp lớp y sĩ năm 22 tuổi (năm 1992), bác sĩ Thái về nhận công tác ở quê nhà - Trạm Y tế xã Bình Châu. Sau nhiều năm công tác, ông được cử đi nhiều lớp đào tạo và được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã Bình Châu từ năm 2008 đến nay.

"Thời điểm tôi mới về nhận nhiệm vụ, người dân ở đây vẫn còn sinh đẻ nhiều nhưng lại có thói quen không đến trạm y tế, bởi vậy tỉ lệ trẻ tử vong cũng nhiều. Thấy vậy, không ít lần tôi tìm đến tận nhà vận động bà con ra trạm y tế sinh nở. Nhưng vì tôi còn trẻ quá nên rất nhiều người gièm pha. Có người còn nói tôi là nam thanh niên sao lại đi lo chuyện sinh nở cho phụ nữ. Tôi hiểu cái lý của họ nhưng lúc đó, chị em làm nghề này ít lắm, lấy đâu đi vận động. Riết rồi nhiều lần thấy tôi phụ giúp hoặc chính tay đỡ đẻ, dần dần thấy quen, người dân không còn ngờ vực nữa. Đến giờ vì nhiều quá nên tôi cũng không thống kê được bao nhiêu trường hợp đỡ đẻ thành công" - bác sĩ Thái kể.

Cứu người trong nguy cấp

Trong số hàng trăm trường hợp do bác sĩ Thái đỡ đẻ, có một trường hợp có lẽ đến bây giờ ông vẫn nhớ mãi bởi đúng là "thập tử nhất sinh". Đó là ngày 29-9-2009, lúc đó, bác sĩ Thái cùng một vài y tá đang trực tác chiến để chống lại cơn bão số 9 tại Trạm Y tế xã Bình Châu.

Trời chập choạng sáng, cả Trạm Y tế xã Bình Châu như muốn đổ sập sau những trận gió giật mạnh cấp 12, mưa liên tục như trút nước. Từ trạm y tế, bác sĩ Thái nhìn thấy rất nhiều người nhà đang hì hục chống lại những cơn gió như muốn hất cả đoàn người vào không trung để đưa mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Tuyết Nhung tới trạm y tế sinh nở. Sau khi giúp người nhà vào trạm y tế an toàn, bác sĩ Thái trực tiếp thăm khám và nhận định vì thai nhi quá lớn nên chị Nhung không thể sinh thường, phải khẩn cấp chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi mổ cấp cứu. Thế nhưng vì thời tiết đang có bão lớn, xung quanh mênh mông nước, không một phương tiện nào đi được. Lãnh đạo tỉnh lúc đó đã điều một chiếc trực thăng xuống nhưng không đáp được vì gió quá lớn. Sau đó, một chiếc xe tải được điều đến để chở mẹ con sản phụ đi nhưng khi vừa chạy đến thì bị gió lớn đánh lật.

Vị bác sĩ của 16.000 dân - Ảnh 2.

26 năm, bác sĩ Phạm Hồng Thái (phải) nuôi ông Phạm Đông vì bệnh tâm thần. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong tình cảnh đó, gia đình sản phụ Nhung cũng không còn hy vọng nhiều vì lúc này chỉ có phép mầu mới có thể cứu được hai mẹ con. Tình thế cấp bách, bác sĩ Thái cùng một vài đồng nghiệp tìm cách làm nhỏ đầu thai nhi mới hy vọng cứu được mẹ con. Sau gần 4 giờ đồng hồ làm các công đoạn thủ công, cuối cùng thai nhi cũng ra ngoài, người mẹ cũng được cứu sống.

Để nhớ đến biến cố chào đời trong thời khắc bão tố đó, gia đình đặt tên cho cháu bé Đỗ Gia Bảo. "Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in tình cảnh lúc đó. Thực sự nếu không có bác sĩ Thái, chắc mẹ con tôi không còn có mặt trên đời" - chị Nhung cảm kích.

Tự "rước khổ" vào thân

Không chỉ tận tình trong công việc, bác sĩ Thái còn làm một việc khiến nhiều người nể trọng khi tự tay chăm nuôi một người bị tâm thần không quen biết mấy chục năm qua. Đó là trường hợp ông Phạm Đông, 53 tuổi.

Ông Phạm Đông vốn là một người bị tâm thần rất nặng, không biết nhà cửa, quê quán của mình ở đâu. Năm 1992, khi bác sĩ Thái về công tác tại Trạm Y tế xã Bình Châu thì thường thấy ông Đông đứng tần ngần ở chợ Bờ Đắp (xã Bình Châu). "Cứ sáng sớm đã thấy ông Đông đứng ở đó, ai cho gì ăn nấy, tối ông Đông lại vô chợ ngủ. Hỏi tên tuổi, quê quán, ông Đông cứ lắc đầu, ú ớ" - bác sĩ Thái nhớ lại.

Vì thương cho hoàn cảnh của ông Đông, dù lúc đó mới 22 tuổi nhưng với vốn kiến thức y khoa học được, bác sĩ Thái quyết định đưa ông Đông về nhà nuôi dưỡng, chữa trị.

Quyết định của chàng thanh niên trẻ lúc bấy giờ, dù bà con xung quanh phản đối vì họ sợ có lúc ông Đông lên cơn sẽ gây hại nhưng với cha mẹ ông Thái lại ủng hộ.

Trong hơn 10 năm đầu, hằng ngày, ông Thái đi làm về là tự tay tắm rửa, đút cho ông Đông ăn và cho ông uống thuốc. "Lúc đó, ông Đông bị nặng lắm. Hằng ngày, ai sai gì làm đó, còn không cứ đứng im một chỗ. Nhiều lúc trở trời, ông Đông lên cơn động kinh đuổi đánh hết người này, người kia. Có lần ông Đông đánh gãy tay cha tôi... Bà con xung quanh thấy tôi khổ cực chăm sóc, còn bị ông Đông đuổi đánh, họ nói chở đi bỏ cho rồi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ông Đông không may mới bị bệnh và có hành động như thế. Nỡ nào tôi nhẫn tâm bỏ ông ấy, để ông ấy không còn nơi nương tựa" - bác sĩ Thái tâm sự.

Đến bây giờ, sau mấy chục năm được chăm sóc, chữa trị, ông Đông đã bắt đầu có lại ký ức. Không chỉ tự tay ăn uống, chăm sóc bản thân, ông còn tham gia việc đồng áng cùng gia đình bác sĩ Thái. "Qua những ký ức rời rạc mà ông Đông kể, tôi đang liên hệ, tìm lại gia đình cho ông. Hy vọng có thể nhận được tin vui trong nay mai" - bác sĩ Thái nói.

Ngoài chuyện 26 năm chăm sóc cho người không quen biết, nhiều năm liền bác sĩ Thái đều bỏ tiền túi chăm lo Tết cho người nghèo. Ông còn vận động người dân xung quanh lập ra nguồn quỹ chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xã có thành tích học tập tốt... Chính từ những đóng góp đó, bác sĩ Phạm Hồng Thái được bầu chọn là một trong những Tấm gương bình dị mà cao quý năm 2018. 

Việc bình thường nhưng cao quý

Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, nhận xét bác sĩ Thái là người mẫu mực tại địa phương. "Trong công việc, bác sĩ Thái luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tận tụy, gần gũi nhân dân, được nhân dân tin tưởng, nể trọng... Trong cuộc sống, bác sĩ Thái có tấm lòng bao dung, hết lòng vì cộng đồng. Bao nhiêu năm qua, địa phương đánh giá rất cao việc làm bác sĩ Thái, dù những công việc bình thường nhưng rất cao quý, lay động lòng người" - ông Nguyên nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo