Liên quan đến thông tin hàng trăm học sinh tại Khánh Hòa nhập viện vì ngộ độc, Sở Y tế tỉnh này cho biết kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là salmonella group.
Chiều 22-11, trao đổi với báo Người Lao Động, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm – COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cho biết salmonella là vi khuẩn đã tồn tại từ rất lâu. Vi khuẩn này thường có trong môi trường như nước, thức ăn bẩn và đa phần gây ra bệnh về đường tiêu hóa.
Người ăn phải thức ăn có khuẩn này sẽ có các biểu hiện giống như tất cả các ngộ độc khác. Sau khi ăn từ 4-6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, nôn ói, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tiêu phân có máu…
Theo bác sĩ Việt, so với những khuẩn khác, salmonella không phải là tác nhân quá nguy hiểm bởi cơ thể có khả năng chống được chúng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng sẽ bị nhiễm trùng máu khiến sốc nhiễm khuẩn, trụy tim mạch… Khi xuất hiện những triệu chứng về đường tiêu hóa như trên cần quan sát theo dõi từng đối tượng để có hướng xử trí kịp thời. Đối với trẻ em cần quan sát thóp, mắt trũng xuống, li bì, tiểu ít. Đối với trẻ lớn hơn, người sẽ mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, tiểu ít…
Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nên để phòng bệnh cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn. Khi trong nhà có người bệnh cũng cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo tập quán đi tiêu đúng nơi quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng. Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa đã đựng thức ăn sống.
Bác sĩ Việt cho biết tại bệnh viện cũng thỉnh thoảng điều trị các ca bệnh về tiêu hóa lẻ tẻ, trừ những trường hợp chuyển nặng sẽ điều trị khó khăn hơn.
Bình luận (0)