Ngày 6-10, tại hội thảo khoa học "Tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý lồng ngực", tiến sĩ – bác sĩ Ngô Gia Khánh, Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực - mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết ung thư phổi là bệnh lý ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư.
Một ca phẫu thuật khối u phổi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi gồm: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, gen trị liệu và liệu pháp miễn dịch. Với ung thư phổi, phẫu thuật là "vũ khí" quan trọng, tuy nhiên tại Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật rất thấp, chỉ chiếm 15-20%, còn lại phần lớn đến viện khi đã ở giai đoạn quá muộn, không còn chỉ định phẫu thuật.
Theo bác sĩ Khánh, chỉ định phẫu thuật ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1, 2 và đầu giai đoạn 3. Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, phẫu thuật kịp thời và có các phương pháp điều trị phối hợp hiệu quả thì tỉ lệ sống trên 5 năm chiếm đến 80-85%.
"Trước đây, để phẫu thuật các khối u lồng ngực, bệnh nhân phải mổ mở với đường rạch dài 20-30 cm thời gian nằm viện có thể kéo dài 3-4 tuần. Với phương pháp nội soi hiện nay, chỉ với một đường rạch khoảng 3 cm, thời gian hậu phẫu được rút ngắn, bệnh nhân hồi phục sau 1-2 ngày, hạn chế những ảnh hưởng đến chức năng phổi sau phẫu thuật"- bác sĩ Khánh nói.
Tại hội thảo, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh y học cũng như các ngành khoa học khác luôn có sự thay đổi và phát triển không ngừng, do đó việc cập nhật các tiến bộ về khoa học kỹ thuật rất quan trọng. Sự ra đời của chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực - mạch máu đã đáp ứng tốt nhu cầu khám, điều trị của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, hỗ trợ các chuyên ngành khác phát triển như: tim mạch can thiệp, can thiệp hô hấp, ung bướu...
Bình luận (0)