Tờ South China Morning Post đưa tin hiện có khoảng 537 triệu người từ 20-79 tuổi trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường, chiếm 10,5% người dân trong độ tuổi này.
TS William Cefalu, làm việc tại Viện Tiểu đường, tiêu hóa và thận quốc gia Mỹ (NIDDK), trích dẫn từ tài liệu của Liên đoàn Tiểu đường quốc tế năm 2021: "Năm 2030, sẽ có khoảng 643 triệu bệnh nhân tiểu đường từ 20-79 tuổi; đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 783 triệu".
TS Cefalu cũng cho biết số ca mắc bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát ở thanh niên ngày càng tăng.
Ở Mỹ, bệnh tiểu đường và các biến chứng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến thứ 7. Theo NIDDK, có khoảng 130.000 người Mỹ bị cắt bỏ chi vì căn bệnh này mỗi năm. Ở các nước có thu nhập thấp, tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều, đi kèm một loạt vấn đề.
Máu kém lưu thông có thể gây ra các vết loét và có thể dẫn đến cắt cụt chi. Ảnh: Shutterstock
Có 3 loại tiểu đường: type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường type 1: cơ thể không thể sản xuất insulin vì hệ thống miễn dịch giết chết các tế bào trong tuyến tụy. Nó thường phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên, nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Tiểu đường type 2: cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách, thường được gọi là kháng insulin. Nguyên nhân là do người bệnh có lối sống không lành mạnh. Ít vận động, hút thuốc và béo phì được cho là nguyên nhân gây ra phần lớn các trường hợp mắc tiểu đường type 2 (chiếm 90-95% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường).
Tiểu đường thai kỳ: phát triển ở một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai, với khoảng 18,5 triệu người mắc bệnh mỗi năm trên toàn cầu. Phụ nữ mang thai cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của mình. Bệnh thường biến mất sau khi sinh con; tuy nhiên, phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn.
Bệnh tiểu đường thai kỳ phát triển ở một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Ảnh: Shutterstock
Năm nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra 4 loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường cùng hệ thống phân phối insulin tự động, còn được gọi là tuyến tụy nhân tạo hoặc sinh học.
TS Cefalu giải thích: "Hệ thống phân phối insulin tự động theo dõi mức đường huyết của một người bằng cách sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) và tự động cung cấp hormon insulin khi cần bằng máy bơm insulin. Liều insulin được tính toán thông qua phần mềm được tích hợp vào thiết bị bằng cách sử dụng dữ liệu từ CGM của người dùng".
Những thiết bị này kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu của một người và có thể cải thiện cuộc sống hàng ngày của những người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường cần phải tiêm insulin thường xuyên. Ảnh: Shutterstock
"Người mắc bệnh tiểu đường phải tìm hiểu kỹ các triệu chứng, đồng thời trao đổi với chuyên gia để nhận được hỗ trợ cần thiết. Với những người có nguy cơ mắc bệnh, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược phòng ngừa, ngăn chặn biến chứng" - TS Cefalu đưa ra lời khuyên.
Chủ đề chính của Ngày Tiểu đường thế giới 14-11 năm nay là tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục về bệnh tiểu đường.
Bình luận (0)