Liên bộ Y tế - Tài chính vừa có quyết định điều chỉnh giá khám chữa bệnh BHYT sau nhiều lần trì hoãn do lo ngại viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng.
16 tỉnh điều chỉnh viện phí
Tại Công văn số 6188/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký, từ ngày 12-8, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm cả chi phí tiền lương sẽ được thực hiện tại 16 tỉnh, thành: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.
Đây là những địa phương có tỉ lệ dân số tham gia BHYT trên 85%. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được điều chỉnh từ ngày 1-3-2016. Việc điều chỉnh giá lần này vẫn chỉ thực hiện đối với người có thẻ BHYT. Đây là đợt điều chỉnh giá đầu tiên trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế. Từ nay đến đầu năm 2017, sẽ tiếp tục có 3 đợt điều chỉnh viện phí đối với các tỉnh, thành còn lại.
Bộ Y tế cũng khẳng định việc thực hiện mức giá bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, hộ cận nghèo... Các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán - Bộ Y tế, quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên vì không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa đưa vào giá. Các bệnh viện (BV) có điều kiện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn; giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Việc tính tiền lương vào giá sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, BV phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.
Trước đó, từ ngày 1-3, các BV công lập trên toàn quốc đều thu viện phí theo mức mới, gồm phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí trực tiếp cho người bệnh. Bộ Y tế ước tính với việc bổ sung chi phí tiền lương, giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 18% so với trước đây.
Bội chi gần 3.000 tỉ đồng
Chia sẻ những tác động của việc điều chỉnh viện phí đối với quỹ BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết tính đến ngày 17-8, số tiền bội chi quỹ BHYT đã lên đến gần 3.000 tỉ đồng. Còn tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, bội chi gần 2.200 tỉ đồng.
“Đây là kỷ lục bội chi quỹ BHYT. Kỷ lục này đã từng xảy ra năm 2009 và khiến quỹ BHYT phải vay quỹ BHXH để hoạt động. Sau đó, Chính phủ phải vào cuộc, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp mới có thể vực quỹ BHYT trở lại” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, báo cáo từ BHXH các địa phương cho thấy 6 tháng đầu năm 2016, rất nhiều BV có chi phí điều trị nội trú tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như tại Thanh Hóa, nhiều BV ghi nhận mức tăng từ 75%-350%. Trong khi số thẻ BHYT chỉ tăng 9% thì tổng số lượt khám chữa bệnh tăng 12% nhưng chỉ riêng chi phí khám chữa bệnh ban đầu đã tăng 37,8%, với gần 12.670 tỉ đồng.
Theo ông Sơn, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cùng với thực hiện chính sách thông tuyến đã dẫn đến tình trạng bội chi quỹ BHYT. Các cơ sở y tế đã dùng nhiều chiêu trò để khuyến khích, chào mời người dân đi khám do đó tăng lượt khám, tăng chi phí.
Điều này được thể hiện qua số lượt khám chữa bệnh đa tuyến nội tỉnh (do được khám thông tuyến huyện) đã tăng trên 49%; tiền khám tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số tiền trên 9.933 tỉ đồng.
Ông Sơn cho biết tới đây, các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng quỹ BHYT, BHXH sẽ kiên quyết từ chối thanh toán. Đơn cử, với tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, BHXH tỉnh Cà Mau đã từ chối thanh toán tiền khám bệnh BHYT tại Phòng khám Đa khoa Phương Nam (TP Cà Mau) chỉ riêng trong quý I và II/2016 đã lên đến hơn 70 tỉ đồng. Đây là bài học đối với cơ sở y tế nào còn muốn dùng các chiêu trò để lạm dụng quỹ BHYT.
Giá khám bệnh, phẫu thuật tăng vọt
Giá khám bệnh sau khi tính lương vào viện phí: BV hạng đặc biệt và hạng I tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng/lượt khám; BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng; BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng; BV hạng IV từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.
Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy… tại các BV hạng đặc biệt: tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng/ngày/người; BV hạng II: từ 350.000 lên 569.000 đồng/ngày/người.
Giường bệnh nội khoa (hô hấp, truyền nhiễm, ung thư, tim mạch, nhi, tiêu hóa, nội tiết…) tại BV hạng đặc biệt tăng từ 99.000 đồng lên 215.000 đồng/ngày/người; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, sản không mổ, tai biến… tăng từ 89.000 đồng lên 192.000 đồng/người/ngày…
- Đỡ đẻ thường giá từ 525.000 lên 675.000 đồng/ca.
- Cắt amiđan gây mê tăng từ 660.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng.
- Cắt ung thư vùng hàm mặt và tạo hình tại chỗ từ 5,9 triệu lên 7,2 triệu đồng.
- Cắt ung thư lưỡi từ 6,8 triệu lên 8,2 triệu đồng.
Bình luận (0)