Tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) do Bộ Y tế tổ chức sáng 7-4 ở Ninh Bình, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, cho biết bộ đang điều chỉnh giá dịch vụ y tế để tiến tới không còn tồn tại 2 loại giá trong một bệnh viện (BV) như hiện nay.
Lương thấp, khó tâm huyết!
Theo ông Nguyễn Nam Liên, với lần điều chỉnh vào năm 2012, giá dịch vụ y tế hiện nay được tính vào 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng tài sản. Theo lộ trình, ngay năm nay, liên Bộ Y tế - Tài chính tiếp tục điều chỉnh viện phí, trong đó cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính theo giá thị trường.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho rằng việc điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ 7 yếu tố chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng KCB. Theo lập luận của ông Khuê, do các chi phí - như lương của nhân viên y tế - chưa được chi trả vào viện phí đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế. BV cũng không đủ kinh phí bổ sung biên chế cho phù hợp với định mức.
“Nếu ngành y tế cung cấp dịch vụ có chất lượng mà không được chi trả xứng đáng với công sức, trí tuệ thì chắc chắn chất lượng KCB sẽ không thể nâng lên mức cao hơn nữa, ngang tầm khu vực”- ông Khuê nhìn nhận.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), nhấn mạnh nếu không nâng cao đời sống cho nhân viên y tế thì BV sẽ mất bác sĩ. “Khi một BV tư ra đời, lập tức nhiều nhân viên y tế của BV chúng tôi chuyển sang. Bài toán cạnh tranh y tế về lương sẽ khó giải quyết nếu không điều chỉnh chính sách” - ông phân trần.
Người nghèo càng gặp khó
Ông Nam Liên giải thích việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo giá thị trường là phù hợp. Thực tế, tại nhiều cơ sở y tế đang tồn tại cả giá dịch vụ công và giá dịch vụ y tế được quy định từ các hoạt động xã hội hóa. Trong đó, giá dịch vụ y tế từ các hoạt động xã hội hóa tính cao hơn do tính thêm các phần tiền lương, phụ cấp cho nhân viên, tiền khấu hao trang thiết bị y tế… Do đó, nếu giá dịch vụ y tế được thực hiện theo cơ chế giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh, buộc cả BV công và tư phải nâng cao chất lượng KCB.
Dù nhiều lần nhấn mạnh người nghèo sẽ “vô can” khi viện phí được điều chỉnh nhưng đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận giá dịch vụ y tế mới sẽ tác động mạnh đến nhóm người chưa có thẻ BHYT (khoảng 27 triệu, chiếm 30% dân số).
Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, nhận định nhóm đối tượng này nếu chẳng may bị bệnh nặng hoặc mắc bệnh mãn tính sẽ rất khó khăn trong việc tự chi trả. Nói cách khác, nếu muốn giảm gánh nặng chi phí KCB thì không còn cách nào khác, họ phải tham gia BHYT. Theo tính toán, sau khi đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% thì số tiền 30% còn lại, người bệnh phải đóng là 200.000 đồng/năm.
Đến thời điểm này, nước ta vẫn còn gần 60% người cận nghèo chưa có thẻ BHYT.
Người có thẻ BHYT cũng bị ảnh hưởng
Theo một chuyên gia y tế, tăng giá dịch vụ y tế có tác động hai mặt đối với người bệnh, kể cả người có thẻ BHYT. Về mặt tích cực, viện phí sẽ tiệm cận hơn với giá tại các cơ sở KCB tư nhân. Người có thẻ BHYT khi KCB tại các cơ sở y tế tư nhân sẽ phải chi trả ít hơn các chi phí chênh lệch như hiện nay. Ngoài ra, họ sẽ không phải nộp thêm những chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ. Về mặt tiêu cực, việc tăng giá dịch vụ y tế dẫn đến tăng phần đồng chi trả đối với bệnh nhân BHYT - nhất là một số đối tượng cận nghèo; người làm nông, lâm, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Bình luận (0)