Sức khoẻ bệnh nhân V.V.H. ổn định sau khi được lấy dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm
Bị ho kéo dài, khó thở, ông V.V.H. (67 tuổi, ở tỉnh Thái Bình) đi khám một số nơi, được cho thuốc nhưng uống thuốc mãi không đỡ nên đã đến khám tại Trung tâm Hô hấp thuộc Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội). Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn phế quản, nghi ngờ có dị vật ở đáy phế quản phải.
Bệnh nhân đã được tiến hành gây mê nội soi phế quản để gắp ra dị vật là 1 viên thuốc comazil (là một loại thuốc chữa cảm cúm) còn nguyên vỏ nhôm. Bệnh nhân cho biết hơn 1 tháng trước có tự mua thuốc điều trị để chữa bệnh cảm cúm.
Theo bác sĩ điều trị, đây là trường hợp khá hi hữu bởi dị vật là viên thuốc con nhộng, có vỏ nhôm khá sắc nhọn nên nguy cơ gây tổn thương và viêm phổi rất cao.
Dị vật là viên thuốc còn nguyên vỏ nhôm
Theo bác sĩ Phan Thanh Thuỷ, Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, trước đó tại đây cũng gắp thành công dị vật cho một người đàn ông 47 tuổi, ở tỉnh Nam Định, là một hạt hồng xiêm mắc sâu trong phế quản với nhiều dịch mủ đục phía dưới chỗ tắc. Bệnh nhân cho biết cách đây 1 năm có ăn hồng xiêm và bị sặc nhưng không nghĩ hạt hồng xiêm bị mắc trong phổi. Một thời gian sau đó, bệnh nhân bị ho kéo dài, đau tức ngực phải và đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh
Từ hai trường hợp bị hóc dị vật nói trên, bác sĩ khuyến cáo khi uống thuốc, người bệnh cần uống từ từ và bóc hết vỏ nhựa, vỏ nhôm để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Với những bệnh nhân bị sặc hoặc hóc dị vật, cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra như rách, xước đường thở, đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng, áp-xe…
Bình luận (0)