Ngày 19-1, tại Hội nghị triển khai Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV giai đoạn 2021-2025 và hướng dẫn quản lý, sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT, ông Mark Troger, điều phối viên Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) Việt Nam cho biết Việt Nam đang tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các dịch vụ điều trị HIV có chất lượng.
Hội nghị triển khai Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV - Ảnh: Thuỳ Chi
Dịch vụ này được cung cấp thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả, lấy khách hàng làm trung tâm và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người nhiễm HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. "Kết quả này được minh chứng bằng tỉ lệ rất cao là 95% người HIV dùng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Đây là một trong những tỉ lệ ức chế virus cao nhất trên thế giới"- ông Mark Troger nhấn mạnh.
Theo ông Mark Troger, trong thời gian tới, để góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 95% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 95% người nhiễm HIV kiểm soát được tải lượng virus ở ngưỡng thấp, không có nguy cơ lây lan), PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các dịch vụ HIV và tăng cường các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ HIV. Cùng đó, PEPFAR mong muốn tiếp tục hợp tác để tiến tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vẫn được tổ chức triển khai rộng rãi và có hiệu quả cao, ngành y tế đã đạt được các mục tiêu đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS trong một kỳ họp.
Trong năm 2020, ngành y tế đã mở rộng các mô hình hiệu quả, triển khai xét nghiệm, phát hiện mới 13.000 người nhiễm HIV; duy trì điều trị Methadone cho hơn 50.000 bệnh nhân; mở rộng điều trị PrEP cho trên 13.000 khách hàng; điều trị ARV cho trên 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS. Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Tuy vậy, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2020 đã phát hiện 13.000 trường hợp nhiễm mới, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, lây nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm đa số, đáng quan ngại là lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên gia tăng. "Điển hình mới đây tại An Giang, phát hiện đến 50 trường hợp nhiễm mới HIV chỉ trong một đợt khám kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự"- PGS Long cảnh báo.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây; các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ma túy tổng hợp… Trong khi đó, các nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS tiếp tục bị cắt giảm…
Việt Nam là một trong bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới - Ảnh minh hoạ
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đến nay điều trị ARV là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Hiện thuốc ARV từ nguồn viện trợ đang bị cắt giảm, trong khi đó việc cung ứng thuốc ARV nguồn BHYT năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đề nghị Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia phối hợp với các vụ cục đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá thuốc bảo đảm có thuốc cho người bệnh HIV/AIDS. Trước mắt, đề nghị các nhà tài trợ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu hỗ trợ Bộ Y tế các giải pháp trong cung ứng thuốc ARV, bảo đảm người bệnh HIV/AIDS được điều trị ARV liên tục, không bị gián đoạn.
Bình luận (0)