Trong lực lượng của Học viện Quân y tình nguyện vào TP HCM dập dịch ở giai đoạn nóng nhất, có hai anh em Nguyễn Văn Khương và Nguyễn Văn Khang, đều đang là sinh viên.
Cùng lên đường vào tuyến đầu
Hai anh em đã gắn bó với TP HCM hơn một tháng qua. Trước khi vào đây, hai anh em quê Quảng Trị này đã cùng tham gia "mặt trận" điểm nóng Bắc Giang.
Vào TP HCM, Khương đóng quân ở huyện Hóc Môn, phụ trách tổ quân y ở khu vực Bà Điểm; Khang tham gia chống dịch ở trạm lưu động số 10, phường Tân Thuận Đông, quận 7. Cả hai khu vực đều từng là những điểm nóng về dịch bệnh của TP HCM.
Nguyễn Văn Khương (trái) chụp hình lưu niệm cùng em trai là Nguyễn Văn Khang ở Học viện Quân y, trước khi lên đường vào TP HCM
Xã Bà Điểm là một trong những khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất ở huyện Hóc Môn. Khi đội của Khương vào đóng quân là lúc y tế địa phương đang quá tải. Những ca cấp cứu diễn ra lúc nửa đêm về sáng. Thành viên trong các tổ y tế lưu động luôn ở trong trạng thái trực chiến. Bù lại cho những vất vả, việc phát hiện kịp thời những F0 có nguy cơ chuyển nặng cao, kiểm soát tốt hơn nguy cơ tử vong cho người bệnh, rồi gần đây những ca nhiễm trong cộng đồng giảm... khiến các chiến sĩ quân y thấy công việc mình đang làm có thêm nhiều ý nghĩa.
Khang đóng quân ngay khu vực đường Bùi Văn Ba, quận 7, nơi có nhiều hẻm trọ công nhân sinh sống. Những ngày đầu, trạm quân y đóng nơi đây cũng luôn trong tình trạng căng thẳng. Một lần, gặp ca F0 là cụ ông bị tai biến nhiều năm, bệnh nhân kiên quyết không chịu đi cách ly: "Tôi ở đây 71 năm rồi, có chết thì chết ở đây, không đi đâu cả". Khang đã trò chuyện, phân tích, thuyết phục khá lâu để cụ ông chuyển ý. Với Khang, đó là những bài học không có trong sách vở mà trải nghiệm qua mùa dịch, các bác sĩ tương lai đã học được.
Nguyễn Văn Khang tham gia công tác hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, ở quận 7, TP HCM
Khang và các bạn ở quận 7 luôn nhận được sự chia sẻ của mọi người. Có những gia đình coi bộ đội như em út, con cháu trong nhà, nấu những món ngon mời lên ăn uống, chuyện trò khi không bận đi trực. Các anh chị còn chia sẻ nhiều bài học, kinh nghiệm sống như với những người đã thân thiết từ rất lâu.
"Trong nhiều lần đi công tác, đây là chuyến có nhiều ý nghĩa nhất với chúng tôi. Ngoài đi khám bệnh, chuyển bệnh, phát thuốc..., chúng tôi còn tham gia phát quà, phát lương thực tới tay người dân, trẻ nhỏ. Cảm nhận được niềm vui rất lớn khi có thể chia sẻ với bà con cô bác nhiều việc như vậy" - Khang kể. Ở chung cư nơi trạm y tế đặt địa điểm, các anh chị vẫn khen Khang nhiều tài lẻ. Vào mùa dịch, mọi người không thể đi cắt tóc thì đã có Khang cắt giúp các anh, các bạn.
Còn với Khương, một trong những ca bệnh F0 là chú Thạch, sau khi được Khương hỗ trợ tư vấn thuốc và cách tự chăm sóc sức khỏe, chú đã quý Khương như người thân trong gia đình. Điều đó làm cho Khương rất vui và xúc động.
Trưởng thành từ gian khó
Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, anh em Khương, Khang vào đời khá sớm. Gia đình làm nông, gánh nặng gia đình chủ yếu đặt lên vai mẹ nên hai anh em cố gắng làm mọi việc nhà phụ mẹ.
Từ lớp 8, hai anh em vừa đi học vừa làm thêm để phụ mẹ trang trải cuộc sống. Sau Khương, Khang còn có hai em gái, em nhỏ nhất năm nay học lớp 4. Hai anh em luôn sát cánh, cùng vươn lên từ nghịch cảnh, động viên nhau thực hiện ước mơ của mình. Với hai anh em, họ có thể chịu khổ cực ra sao cũng được nhưng không muốn các em mình chịu khổ, song tất cả đều phải nỗ lực phấn đấu để có tương lai, không ỷ lại.
Nguyễn Văn Khương tham gia làm thủ tục xét nghiệm lưu động cho dân trong vùng dịch ở huyện Hóc Môn, TP HCM
"Năm lớp 8, anh em tôi bắt đầu làm quen với những việc làm thêm để kiếm thu nhập. Một chú bạn của bố hay đi treo băng rôn vào những dịp lễ, tết đã chỉ đường đi nước bước. Hai anh em thường dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe máy từ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) vào huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) để treo băng rôn, chăm sóc cây cảnh trang trí ngoài đường đón lễ, tết. Vào mùa đông, nhiều hôm sương sớm xuống lạnh buốt da. Lại có hôm nắng hè, gió Lào, tranh thủ treo cho xong nên làm tận 12 giờ trưa, nắng đổ trên đầu, gió rát bỏng cả mặt. Nhưng việc treo băng rôn chưa vất vả bằng cạo mủ thông. Trong rừng thông ẩm ướt nên muỗi nhiều vô kể. Mỗi khi đi cạo mủ thông phải trùm áo mưa kín hết chân tay, mặt mũi, chỉ chừa ra đôi mắt thôi, vào những ngày hè, nhiều khi như một cực hình" - Khương kể. Ngoài việc làm nông, hai anh em Khương còn biết khá nhiều công việc khác: Vá - sửa xe, trang trí đường phố, chăm sóc cây xanh...
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, cả hai luôn nhắc nhau phấn đấu hết mình để có cơ hội vượt lên nghịch cảnh. Những năm học THPT, cả hai anh em đều đạt giải nhì, giải ba thi học sinh giỏi môn hóa cấp tỉnh. Lên đại học, Khương và Khang có nhiều năm là chiến sĩ tiên tiến. Khi huấn luyện, Khương còn được nhận bằng khen chiến sĩ thi đua. Trong những năm học ở Học viện Quân y, Khương đạt giải khuyến khích Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2019, còn Khang đạt giải nhất Hội thao Kỹ năng y khoa năm 2021.
Quyết tâm trở thành bác sĩ
Trong câu chuyện của Khang và Khương thường hay nhắc tới người mẹ đang điều trị suy thận giai đoạn cuối ở Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Mẹ có dấu hiệu bệnh khi hai anh em còn học ở Sơn Tây. Để các con yên tâm học tập, lại do dịch kéo dài nên mẹ giấu bệnh không cho các con biết. Chỉ đến khi mẹ bị huyết áp cao, ra Hà Nội khám lại thì đã bị suy thận giai đoạn cuối. Để có chi phí điều trị thận từ 3-4 triệu đồng/tháng, mẹ phải chạy vạy vay mượn các cậu, dì; mượn từ nguồn vay cho sinh viên nghèo.
"Em phải động viên mẹ nhiều vì nhiều lần mẹ không muốn tiếp tục điều trị để không phải vay mượn. Mẹ xót khi tụi em chưa ra trường đã nặng gánh khoản nợ cho mẹ. Nhưng không sao cả, quan trọng nhất là sức khỏe của mẹ" - giọng Khương nghẹn đi khi nói về người mẹ của mình.
Nhiều lần phải ra vào bệnh viện vì sức khỏe của mình và người thân, nhận ra những khó khăn của người bệnh khiến anh em Khương quyết tâm trở thành bác sĩ để có thể chăm sóc sức khỏe cho người thân của mình, giúp những người nghèo khó bớt gặp những trường hợp éo le như chính mình đã từng gặp. "Nếu có điều kiện để cống hiến cho xã hội thì chúng em rất sẵn sàng, mà chuyến đi vào vùng dịch TP HCM lần này là một vinh dự rất lớn" - Nguyễn Văn Khương nói.
Con đường để trở thành bác sĩ thực thụ của hai anh em đã rất gần, khi chỉ vài tháng nữa là Khương tốt nghiệp, Khang cũng đã vào năm cuối. Họ đang viết tiếp ước mơ được làm bác sĩ mặc áo lính, phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ được phân công, luôn quan tâm chăm sóc bệnh nhân, gần gũi với nhân dân, yêu thương đồng chí đồng đội. Ước mơ ấy của hai chàng trai lớn lên từ nghèo khó, khẳng định năng lực, ý chí bản thân qua những "mặt trận", nhất là qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tôi tin sẽ thành hiện thực.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)