xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Virus cúm đang bùng lên

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Có đến 3 chủng cúm đang tấn công không chỉ với gia cầm, chim yến mà cả trên người ở những biểu hiện khó lường khiến nhiều người lo ngại dịch cúm sẽ bùng phát

Trong khi virus cúmA/H5N1 diễn biến phức tạp trên cả gà, vịt và chim yến thì mới đây, ngành chức năng lại phát hiện type virus cúm A/H7 trên gia cầm. Đó là những thông tin được đưa ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, sáng 23-4.  
 
img

Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang bủa vây, việc giám sát đàn chim cảnh cần được chú trọng hơn

100% mẫu chim yến chết có H5N1

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết kết quả giám sát mới đây cho thấy 100% mẫu chim yến chết ở 2 hộ nuôi tại Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1. Ngay cả trong 187 mẫu chim sống (chim tơ, chim trưởng thành) cũng có 1 mẫu dương tính với virus H5N1. Với 45 tổ yến xét nghiệm chưa tìm thấy virus H5N1 nhưng với 120 mẫu phân chim yến xét nghiệm đã tìm thấy sự có mặt của chủng virus nguy hiểm này.
 
img

Nhiều chợ cóc tại Hà Nội bày bán gia cầm chưa qua kiểm dịch Ảnh: NGỌC DUNG

Theo ông Đông, ngành thú y đã tiêu hủy 10.000 con chim yến và thu gom 167 kg tổ yến để xử lý nhiệt tiêu diệt virus cúm A/H5N1. Cục Thú y đã gửi một số mẫu chim và gia cầm dương tính với virus  H5N1 sang Úc, Hàn Quốc để giải mã trình tự gien của chủng virus này, truy tìm có hay không sự thay đổi về độc lực.

Cũng theo ông Đông, tuy chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và chim nuôi nhưng trong số 400/500 mẫu xét nghiệm đã tìm thấy 1 mẫu ở Quảng Ngãi dương tính với virus cúm gia cầm H7N3 và 2 mẫu dương tính với type H7.

“Các nhà khoa học đang tiếp tục xác định nhóm N trong các mẫu trên để xem đó có phải là N9, như chủng virus đang lưu hành trên người ở Trung Quốc hay không” - ông Đông cho biết.

Theo đại diện Cục Thú y, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận type H7. Kết quả xét nghiệm trước đó trong số 300 mẫu đã phát hiện 2 mẫu vịt dương tính với virus cúm A type H7 tại An Giang, Đồng Tháp và 6 mẫu virus H7 khác tại Cần Thơ và Hậu Giang.

Virus cúm ngày càng khó lường

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương xác nhận bé gái 12 tuổi (trú Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) nhiễm cúm A/H1N1 từ người thân đã tử vong vào sáng 23-4. Theo BS Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc BV, bé gái được chuyển đến sau hơn 1 tuần khởi phát bệnh. Mặc dù được đặt ống nội khí quản, thở máy và điều trị thuốc kháng virus Tamiflu nhưng cháu đã không qua khỏi.

Đây là bệnh nhân thứ 3 tử vong do cúm A/H1N1 từ đầu năm đến nay. Hai bệnh nhân trước đó là một người đàn ông hơn 40 tuổi và một thanh niên 23 tuổi đều ở Yên Bái.

Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H5N1 tiếp tục diễn biến phức tạp với ca nhiễm thứ 2 được ghi nhận tại Long An, sau ca tử vong là một bé trai 4 tuổi ở Đồng Tháp. Điều tra dịch tễ cho thấy 2 trường hợp này đều có liên quan đến giết mổ gà, ăn thịt gà chết và sống trong vùng có dịch.

PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho biết dịch cúm đang diễn biến phức tạp với nhiều biến đổi khó lường. Việc tìm thấy virus cúm A/H5N1 trên chim sống cho thấy nguy cơ con chim này mang virus H5N1 đi lây lan sang các đàn khác là rất lớn.

Với trường hợp cúm A/H1N1 sau khi tạo ra đại dịch từ năm 2009, nay đã trở thành cúm thường nhưng gần đây lại liên tục có nhiều ca bệnh nặng và tử vong, ông Huấn đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn để lý giải đường lây ở đâu; tại sao năm 2012 ít, đến năm 2013 lại bùng lên và từ đó đưa ra các khuyến cáo phù hợp.

Cũng theo ông Huấn, virus H5N1 xưa nay chỉ có ở gia cầm, nay bùng phát trên chim yến - một loài chim được tự do bay trên trời - nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Trước đây, tỉ lệ tử vong do cúm H5N1 ở người cũng thấp nhưng nay lên đến 92% cũng là một hiện tượng khó hiểu. Còn bản thân virus H7N9 xưa nay chỉ tìm thấy ở gia cầm và chim hoang dã, gây bệnh nhẹ, nay lại “nhảy” sang người gây ra tỉ lệ tử vong và tiến triển bệnh nặng khá cao. “Điều đó cho thấy virus cúm ngày càng biến đổi khó lường” - ông Huấn nhận định.

Giới chuyên môn cũng cảnh báo thời điểm này không loại trừ cúm H7N1 đã xâm nhập nhưng chưa phát hiện ca bệnh, do đó cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm để có biện pháp phòng tránh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong hơn 20 ngày đã  có 104 ca mắc và 21 trường hợp tử vong, tỉ lệ khoảng 20%.
 

Virus cúm A/H1N1 gia tăng bất thường

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm 2013 với gần 1.000 mẫu thu thập được đã phát hiện 119 mẫu dương tính với cúm (chiếm 12,4%). Trong đó, 57% là cúm A/H1N1; 38% cúm B; 17,6% cúm A/H3N2; đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B chiếm 2,5%. Tương tự, trong số 335 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thì tác nhân cúm chiếm hơn 8%, trong đó cũng ghi nhận sự trội lên của cúm H1N1.

“Vào thời điểm đại dịch năm 2009, chủng cúm H1N1 chiếm đến 90%-95%, sau đó có những lúc gần như biến mất, bị cúm B và cúm H3N2 thay thế. Tuy nhiên, giờ chủng cúm này lại phát triển trội lên. Đây cũng là quy luật bình thường của cúm mùa” - ông Dương nhận định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo