Chị N.T.H.A (35 tuổi, ở TP Hà Nội) cho biết chị đang chờ nâng ngực sau thời gian chờ để xử lý các biến chứng do bơm silicon lỏng.
Bác sĩ phẫu thuật vòng 1 của bệnh nhân bị hoại tử - Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ
Theo chị H.A., gần 5 năm trước, qua giới thiệu của một người bạn, chị có sử dụng dịch vụ tiêm "mỡ nhân tạo Thái Lan" nâng vòng ngực tại spa Hà Nội. Thời gian đầu, chị cảm thấy rất hài lòng với bầu ngực căng đầy, nhưng chỉ 1 năm sau đó, "vòng 1" bắt đầu gồ ghề, chạm vào có cảm giác đau, khó chịu.
Cố chịu đựng được gần 3 năm, chị H.A. thấy ngực ngày càng nhăn nhúm, biến dạng, đau nhức thường xuyên và đôi lúc khó thở nên chị đã đến Bệnh viện K. Trung ương khám. Tại đây, chị được chẩn đoán bị biến chứng do bơm silicon lỏng dẫn đến nổi u cục sần sùi, ngực sưng đau và bị cắt luôn tuyến sữa. Chất silicon lỏng được tiêm vào ngực đã di chuyển đi khắp nơi. Cách đây 3 tháng, chị H.A. lại phải vào Bệnh viện K. để nạo vét silicon thêm một lần nữa. Sau lần nạo vét này, ngực chị bị co rúm, lõm sâu, mất hoàn toàn hình dáng bầu ngực.
Bác sĩ Trần Sinh Lục - chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y Hà Nội; người trực tiếp điều trị cho chị H.A. - cho biết silicon lỏng đã bị cấm sử dụng để tiêm vào cơ thể từ rất lâu nhưng thời gian gần đây có khá nhiều bệnh nhân nhập viện do biến chứng bơm silicon, trong đó có người tiêm ở mặt, có người tiêm ở mông và ngực. Biến chứng sớm của bơm silicon là gây tình trạng tắc mạch do tiêm vào mạch máu và gây hoại tử hoặc bơm quá nhiều, gây tình trạng căng khiến mạch máu bị chèn ép dẫn tới hoại tử (tím đỏ) ở vùng tiêm.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân tiêm silicon lỏng bị biến chứng thâm nhiễm vào vùng mô, làm ngực bệnh nhân cứng như đá, vùng tiêm xơ hóa, co rút không còn hình thù như bình thường. Khi silicon xâm nhiễm các tổ chức, bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ cả khối tổ chức lẫn silicon (vì chất này khi vào cơ thể nhỏ như hạt ngọc, không thể lấy ra được).
Bác sĩ Lục cho biết với bệnh nhân H.A., khi phẫu thuật nạo vét silicon ở vùng ngực, các bác sĩ buộc phải lấy cả tổ chức mô, cơ lẫn silicon, do đó cũng khiến cho bầu ngực teo nhỏ, ngực bị biến dạng do các tổ chức xơ, sẹo co kéo. Để khôi phục lại "vòng 1", bệnh nhân sẽ phẫu thuật đặt túi ngực, tạo hình lại cả hai bên ngực. Đồng thời, bác sĩ phải lấy mỡ tự thân của bệnh nhân tiêm trở lại vào những vùng ngực bị hổng do từng bị lọc bỏ cùng với silicon, để tạo hình và lấy lại kích thước vòng ngực cho bệnh nhân.
Cách đây ít ngày, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã phẫu thuật cho một trường hợp biến chứng hoại tử ngực do bơm silicon dạng lỏng. Đó là bệnh nhân 31 tuổi quê ở Sóc Trăng. Trước đó, nghe bạn bè giới thiệu, chị này đã đi tiêm silicon lỏng, phần ngực bị căng cứng sưng đỏ, hoại tử da, biến dạng, nhiều lỗ rò dịch đục xung quanh, phải đi cấp cứu. Qua 3 lần phẫu thuật, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật lấy bỏ gần như hoàn toàn da.
Bình luận (0)