Trong thông cáo báo chí sáng 10-12 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết một "kỷ lục lịch sử" đã được lập khi những liều đầu tiên của một trong 3 loại vắc-xin ứng viên chống lại virus Ebola của Sudan đã đến Uganda vào ngày 8-12.
Các mũi vắc-xin này này sẽ được đánh giá trong một thử nghiệm lâm sàng có tên Đoàn kết chống lại Ebola (Tokomeza Ebola).
Nhân viên y tế đang làm việc tại Uganda - Ảnh: WHO
Sự xuất hiện của 1.200 liều vắc-xin đủ tiêu chuẩn để thử nghiệm lâm sàng diện rộng chỉ 79 ngày sau khi dịch bệnh được tuyên bố vào ngày 20-9 đánh dấu một cột mốc lịch sử trong khả năng ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu.
Để bắt đầu thử nghiệm Giai đoạn 3 ở Guinea trong đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2015, phải mất 7 tháng kể từ khi tuyên bố đến khi có vắc-xin, đã được coi một thành tựu to lớn và lập kỷ lục lịch sử vào thời điểm đó.
Tuy nhiên loại vắc-xin đó không hiệu quả với chủng Sudan, một "chủng tử thần" gây tử vong từ 40-100% trong các đợt bùng phát. Do đó dẫn đến nhu cầu khẩn cấp tạo ra một loại vắc-xin mới khi dịch bệnh lan mạnh ở Uganda bất chấp các biện pháp cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt.
Bác sĩ Jane Ruth Aceng Acero, Bộ trưởng Bộ Y tế Uganda cho biết nước này tiếp tục chống lại sự bùng phát bằng cách sử dụng các công cụ hiệu quả mà họ đang có bao gồm giám sát và truy vết, tuy nhiên việc có vắc-xin là rất quan trọng.
Vắc-xin này là một trong ba ứng cử viên được khuyến nghị thử nghiệm bởi hội đồng chuyên gia độc lập của WHO: ChAd3-SUDV của Viện Sabin. Hai loại còn lại, cAdOx1 biEBOV của Đại học Oxford/Viện Jenner (Anh)/Viện huyết thanh Ấn Độ và SV-SUDV của Merck/AVI, sẽ được thêm vào thử nghiệm khi có đủ liều lượng.
Thử nghiệm do Đại học Makerere của Uganda dẫn đầu, được Bộ Y tế Uganda và WHO đồng tài trợ. WHO đã làm việc với chính phủ Uganda và các nhà nghiên cứu để thiết kế quy trình thử nghiệm, đảm bảo các quy trình pháp lý và đạo đức diễn ra nhanh chóng, đào tạo các nhóm nghiên cứu và lắp đặt dây chuyền lạnh để bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ tối ưu.
"Sự xuất hiện của các loại vắc-xin tiềm năng ở quốc gia chưa đầy 100 ngày kể từ khi dịch bệnh được tuyên bố là kết quả của nỗ lực toàn cầu do WHO điều phối. Đây không phải là những lần chạy thử: chúng đang tối ưu hóa hệ thống cho mối đe dọa dịch bệnh tiếp theo" - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết.
Nhiều khoản đóng góp từ phía Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU)... đã tài trợ cho thử nghiệm.
Tính đến 5-12, Uganda đã ghi nhận tổng cộng 142 trường hợp được xác nhận và 55 trường hợp tử vong tại 9 huyện (chưa kể các trường hợp chưa kịp xét nghiệm khẳng định). Trong số nạn nhân có 19 ca mắc là nhân viên y tế, bao gồm 7 người đã tử vong.
Bình luận (0)