Phản ứng trước những động thái của Hội đồng châu Âu về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thổi phồng mức độ báo động cúm A/H1N1 thành “đại dịch thế kỷ”, WHO tại VN ngày 11-1 ra thông cáo nêu rõ WHO không hề thay đổi định nghĩa đại dịch trong suốt tiến trình vụ bùng phát dịch này.
Tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 tại Hà Nội. Ảnh: N. Dung
Nhầm hay thổi phồng thông tin ?
Theo WHO, một đại dịch được công bố khi có các vụ bùng phát dịch ở cấp độ cộng đồng được xác nhận do một loại virus cúm mới gây ra, lây truyền từ người sang người, tại ít nhất là hai quốc gia trên hơn một vùng. Tuy nhiên, WHO cũng thừa nhận một số nhầm lẫn là đã có một tài liệu trên website của WHO trong một vài tháng, nói rằng một đại dịch có thể bao gồm “số lượng rất lớn các ca mắc và các ca tử vong” nhưng đã được gỡ bỏ. “Chúng tôi làm việc với các công ty dược phẩm bởi vì họ là những người sản xuất ra vắc-xin. Chúng tôi làm việc với các công ty này tại các nước phát triển và cả ở một số nước đang phát triển” - WHO nêu rõ trong thông báo của mình.
Tại VN, theo kết quả tại 15 điểm giám sát cho thấy hầu hết số ca nhiễm cúm A/H1N1 đều giảm. Hiện tại, dịch đang có dấu hiệu giảm dần. Trong khi trước đó, Bộ Y tế liên tục cảnh báo đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 11 và 12- 2009, số ca nhiễm có thể lên đến hàng ngàn trường hợp mỗi ngày. |
Trước các thông tin cho rằng WHO đã được “lót tay” để các công ty dược có thể dễ dàng kiếm tiền từ việc bán vắc-xin phòng cúm A/H1N1, WHO cho biết đã yêu cầu các chuyên gia tư vấn cho tổ chức này phải tuyên bố các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính, bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm hoặc các cơ quan tư vấn hay các hình thức liên hệ về chuyên môn khác với các công ty dược phẩm. “Các cáo buộc về xung đột quyền lợi không công bố được WHO xử lý rất nghiêm túc và được điều tra ngay lập tức” - WHO kết luận.
Siết chặt việc kiểm định vắc-xin
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết hôm nay, 12-1, Bộ Y tế sẽ có thư gửi WHO tại VN đề nghị xác nhận thông tin này. Bộ Y tế cũng đề nghị WHO sớm đưa ra khuyến cáo để VN tiếp tục các hoạt động phòng chống dịch cúm A/H1N1, trong đó có kế hoạch tiêm phòng 1,2 triệu liều vắc-xin cúm mà WHO viện trợ.
Theo ông Huấn, Bộ Y tế vẫn tiếp tục nhận vắc-xin phòng cúm A/H1N1 do WHO viện trợ.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận vắc-xin cúm A/H1N1 này sẽ thực hiện như một loại vắc-xin mới khi được nhập về VN. Theo đó, sẽ tiến hành các bước kiểm nghiệm độ an toàn trên động vật thí nghiệm, sau đó kiểm tra khả năng đáp ứng miễn dịch, các phản ứng phụ với loại vắc-xin mới này.
Đặc biệt sẽ xem xét tính đáp ứng miễn dịch có đủ để đối phó với virus cúm A/H1N1 hay không. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, vắc-xin cúm A/H1N1 sẽ được tiêm phòng rộng rãi ở đối tượng có nguy cơ cao trên nhiều vùng miền. “Việc Bộ Y tế siết chặt lại các quy trình kiểm nghiệm này sau khi WHO có tuyên bố cơ quan này và nhà sản xuất hoàn toàn vô can về các tai biến liên quan đến 1,2 triệu liều vắc-xin viện trợ” - ông Huấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Y tế cũng chưa nhận được bất kỳ mẫu vắc-xin cúm A/H1N1 của nhà sản xuất để kiểm nghiệm trước khi tiến hành tiêm phòng rộng rãi cho các đối tượng nguy cơ cao. Trong khi đó, để thực hiện xong quy trình kiểm nghiệm độ an toàn này cũng phải mất từ 3- 6 tháng.
Bình luận (0)