"Chỉ 19% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm chủng và việc tiếp cận các phương pháp điều trị để cứu sống hầu như không tồn tại" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rào cản lớn nhất của việc chấm dứt đại dịch COVID-19 tại cuộc họp báo trực tuyến tổ chức tối 22-9.
Trong khuôn khổ cuộc họp, tiến sĩ Tedros và các chuyên gia WHO đã thông tin về 2 PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) đang tồn tại là COVID-19 và đậu mùa khỉ, cùng 1 "cựu" PHEIC khác là Ebola.
Tổng Giám đốc WHO cho biết những câu hỏi ông gặp thường xuyên nhất trong kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang được tổ chức ở New York - Mỹ là: "Chúng ta đứng ở đâu? Đại dịch COVID-19 đã qua chưa?".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO
Theo tiến sĩ Tedros, nhân loại đang ở một vị trí tốt chưa từng có khi số tử vong hàng tuần tiếp tục giảm và hiện chỉ bằng 10% so với mức cao nhất ghi nhận tháng 1-2021, 2/3 dân số toàn cầu đã được tiêm chủng, bao gồm 3/4 nhân viên y tế và người cao tuổi. Các biện pháp kiểm dịch đã được dỡ bỏ ở hầu hết các quốc gia.
Tuy nhiên, gần 10.000 trường hợp tử vong ghi nhận trong tuần qua do một dịch bệnh vẫn là quá nhiều, nhất là khi đó là các ca tử vong có thể ngăn chặn.
Trước đó, nhiều nước ghi nhận số tử vong cao cũng thừa nhận hầu hết ca tử vong nằm ở "chỗ trũng" - những người chưa được tiêm chủng đủ hoặc tiêm mũi cuối cùng đã quá lâu trước khi nhiễm bệnh, nhất là nhóm đối tượng nguy cơ (cao tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch).
"Mặc dù khả năng miễn dịch ở cấp độ dân số đã tăng lên nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về tiêm chủng, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình" - ông nhấn mạnh.
Trước đó, trên bản đồ từ vong do COVID-19 mới nhất trong báo cáo dịch tễ hàng tuần WHO phát hành hôm 21-9, nhiều quốc gia trung bình và thu nhập thấp, chủ yếu ở châu Phi và châu Á, vẫn được đánh dấu màu nâu nhạt - không có dữ liệu cụ thể.
Theo tiến sĩ Tedros, dù ngày tàn của đại dịch là "trong tầm mắt" nhưng đây là lúc để chạy nước rút, mà động thái quan trọng nhất là lấp những khoảng trống vắc-xin.
Tổng Giám đốc WHO cũng công bố tin mừng là Quỹ toàn cầu về vắc-xin mà WHO là một trong những thành viên chủ chốt đã nhận được thỏa thuận với Pfizer để tạo điều kiện tiếp cận với thuốc kháng virus Paxlovid ở các quốc gia thu nhập thấp.
Với PHEIC thứ hai - đậu mùa khỉ, tiến sĩ Tedros báo tin vui rằng số ca bệnh ghi nhận tuần qua tiếp tục giảm. Cho đến nay đã có hơn 62.000 ca được xác nhận (đã xét nghiệm khẳng định) được báo cáo cho WHO từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 23 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, WHO khẳng định đậu mùa khỉ hiện trong tình trạng giống COVID-19, có nguy cơ trỗi dậy nếu chủ quan và rất cần nỗ lực toàn cầu để thực sự đưa nó khỏi tình trạng PHEIC.
Ebola gây lo ngại lớn
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đến nay số bệnh nhân Ebola ở Uganda được khẳng định bằng xét nghiệm là 8 người, trong đó 1 người đã tử vong. Số bệnh nhân "nghi nhiễm" là 23 người, trong đó 7 người đã tử vong.
Trong tuần này, Uganda tuyên bố bùng phát dịch Ebola. Số ca trong vụ bùng phát không ngừng gia tăng, bao gồm số ca tử vong, cho dù các hệ thống phản ứng khẩn cấp đã được kích hoạt.
Theo tiến sĩ Tedros, các chuyên gia của WHO đã sẵn sàng làm việc với các nhóm kiểm soát Ebola giàu kinh nghiệm của Uganda để củng cố các biện pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa cũng như cung cấp các vật tư y tế cần thiết.
Đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này của Uganda gây quan ngại lớn bởi với Ebola, chỉ cần 1 ca bệnh đã được coi là một ổ dịch. Tỉ lệ tử vong của Ebola là 25% đến 90%, trong đó chủng Sudan gây lo ngại nhất bởi có tỉ lệ tử vong 100% trong các đợt bùng phát gần đây. WHO đã từng 2 lần phải tuyên bố Ebola là PHEIC (2013-2015 và 2018-2020).
Bình luận (0)