Những hình ảnh khoa học này được trình bày tại hội nghị khoa học chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay" do Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức trong 3 ngày, từ 31-10 đến 2-11, với hơn 1.200 đại biểu, chuyên gia tim mạch trong nước và nước ngoài như Mỹ, Đức, Anh, Phần Lan, Thụy Sĩ… tham gia.
Nhiều BS tim mạch trẻ lần đầu tiên mục sở thị chuyên môn tim mạch do các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Bart’s London và Trung tâm Tim mạch Leipzig hướng dẫn thực hành mổ trên xác tươi bệnh động mạch chủ phức tạp.
Một ca phẫu thuật tim đang truyền trực tiếp
PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Đại học Y Dược TP HCM, cho hay trong năm 2019, lĩnh vực tim mạch có hàng loạt các khuyến cáo, các nghiên cứu khoa học mới được công bố. Điểm nhấn là phòng ngừa tiên phát các biến cố tim mạch. Đây là xu hướng chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đai học Y Dược, hẹp van động mạch chủ là bệnh phổ biến nhất về van tim, thường gặp ở người trên 60 tuổi và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nặng nề khác có thể dẫn đến tử vong.
"Cứ 10 người bệnh hẹp van động mạch chủ nặng thì có 2 – 3 trường hợp có thể xảy ra những tai biến, biến chứng nặng và có thể tử vong. Sau 2 năm, tỉ lệ tử vong do hẹp van động mạch chủ là 50%. Mỗi năm trong số khoảng 400 – 500 trường hợp bệnh về van tim đến khám tại bệnh viện thì có khoảng 120 người bệnh đã ở giai đoạn nặng. Xu hướng mới hiện nay là thay van tim theo đường nội soi, ít xâm lấn nên đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.", BS Định thông tin thêm.
Bình luận (0)