Một tọa đàm ngắn, thân tình đã diễn ra trong khuôn khổ Lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2022) được Thành Ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức sáng 26-2.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM và bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, tặng hoa cho 4 bác sĩ, điều dưỡng tham gia tọa đàm
Ngày ông cùng đồng đội đến Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc Gia TP HCM khảo sát để thiết lập bệnh viện, cũng là ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM được dỡ bỏ phong tỏa sau 2 tuần kể từ khi phát hiện chùm ca là nhân viên bệnh viện.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (thứ 4 từ trái sang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, là Giám đốc BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM từ tháng 8-2021 trở về trước) và BS Nguyễn Thanh Trường (thứ 5 từ trái sang) và các đồng nghiệp khi đi khảo sát để thiết lập Bệnh viện Dã chiến số 1 (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM)
"Trong vòng 36 giờ, chúng tôi đã tổ chức xong. Ngay tức khắc, rất nhiều đoàn xe cấp cứu đến với chúng tôi. Và chúng tôi đã thức trắng đêm, làm việc từ 17 giờ đến 5 giờ sáng để tiếp nhận bệnh nhân…" - bác sĩ Thanh Trường nhớ lại.
Sau những giờ phút có lúc tưởng chừng sức khỏe của đội ngũ y tế kham không nổi với công việc, nhưng vẫn hết sức cố gắng vì bệnh nhân, họ cũng có được niềm vui đầu tiên vào 10 ngày sau đó. Bác sĩ Thanh Trường hồi tường: "Khi những bệnh nhân đầu tiên của chúng tôi hồi phục sức khỏe, được xuất viện trở về nhà, nhận những lời cảm ơn chân thành từ phía người bệnh, chúng tôi không thể nói gì hơn, cảm xúc dâng trào. Chúng tôi đã nhìn nhau trong niềm vui và hạnh phúc".
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường (giữa) và điều dưỡng Lê Thị Thu Hương (bìa trái) đều là những chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM từng nhận nhiệm vụ tại nhiều bệnh viện dã chiến
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, nhớ lại những ngày bệnh nhi Covid-19 nặng nhất Việt Nam - L.M.P. còn bấp bênh sinh từ. Là bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực nhi khoa, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đã được giao nhiệm vụ đứng đầu ê-kíp hồi sức cứu chữa cho cháu bé.
"Gia đình cháu bé rất lo lắng, đặc biệt là người mẹ. Người mẹ trực tiếp gọi cho tôi, có lúc gia đình ngỏ ý xin về để lo hậu sự cho cháu. Tôi chỉ nói mẹ bé hãy cầu nguyện cho cháu, và chúng tôi sẽ cố gắng hết mức" - bác sĩ Tiến nhớ lại. Cuối cùng, sau nhiều lần cứ tạm thuyên giảm rồi lại trở nặng, điều kỳ diệu đã đến với cậu bé nặng 120 kg này, bé đã khỏi bệnh và xuất viện.
Bác sĩ Hoàng Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quận 8, thì nhớ mãi những đêm trắng: "Bệnh này thường trở nặng nửa đêm về sáng, nên có những giai đoạn cuộc gọi liên tục từ 11-12 giờ đêm cho đến sáng… Nhưng với sự đồng lòng, tập thể đã vượt qua, giữ vững ý chí để chiến thắng đại dịch".
Điều dưỡng Lê Thị Thu Hương, Phó phòng điều dưỡng Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Dã chiến số 2, cho biết trong những ngày gian khổ nhất, chị luôn vững niềm tin vào một ngày dịch bệnh được đẩy lùi bằng sự chung sức, chung lòng, nghĩa đồng bào.
"Ngay thời điểm này, các bạn của tôi, đồng đội của tôi vẫn còn tham gia chống dịch. Nhưng tôi vẫn mong một ngày không xa sẽ được thấy hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng trở về trong niềm vui hân hoan của cả nước; được thấy niềm vui của những đồng bào từng bên chúng tôi trong quá trình tham gia chống dịch. Tôi chỉ muốn nói mấy tiếng thương yêu: "Đồng bào của tôi đó". Trong suốt những ngày ở bệnh viện dã chiến, tình cảm của đồng bào dành cho đội ngũ y tế là niềm động viên rất lớn đối với chúng tôi, từ những phần quà nhỏ đầy yêu thương như những túi trái cây..." - điều dưỡng Lê Thị Thu Hương xúc động.
Bình luận (0)