Theo bác sĩ Trần Đức Lợi, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện An Bình, khi khám lâm sàng biểu hiện của bệnh nhân là đau vùng thượng vị, ấn đau đề kháng điển hình của viêm phúc mạc. Kết quả xét nghiệm máu, siêu âm bụng cho thấy bạch cầu tăng, dấu hiệu của nhiễm trùng.
Bác sĩ tiếp tục chỉ định chụp CT. Hình ảnh cho thấy một ổ mủ lớn, khoảng 10 cm ở gan trái, phía dưới là một ổ mủ nhỏ ở cạnh dạ dày và giữa gan với dạ dày là một mẩu xương cá dài khoảng 4 cm. Với kết quả CT, cùng với tình trạng viêm phúc mạc, cụ bà đã được cho phẫu thuật ngay.
Khi phá ổ áp xe hút được 300ml mủ, ê-kíp tiếp tục phá ổ mủ nhỏ giữa gan và dạ dày lấy được xương cá ra. Bệnh nhân không còn lỗ thủng ở dạ dày, vì xương cá nhọn và nhỏ. Sau khi lọt ra ngoài, lỗ thủng nhỏ ở dạ dày đã tự bít lại. Các bác sĩ đã rửa sạch sẽ ổ bụng rồi dẫn lưu.
Xương cá dài 4cm được lấy từ dạ dày và gan của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
"Đây là trường hợp hy hữu khi xương cá xuyên thủng dạ dày đâm vào gan. Sau nhiều ngày đau bụng, bệnh nhân không biết và sử dụng thuốc cắt cơn khiến vết thương tạo thành ổ áp xe. Ổ áp xe sẽ có vi trùng, vi trùng đi theo mạch máu nuôi tạng dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc nếu ổ mủ vỡ ra trong ổ bụng sẽ nguy hiểm tính mạng" - bác sĩ Lợi lý giải.
Thông thường, đối với những ca dị vật đường tiêu hóa, nếu dị vật đâm thủng thì chỉ phần nhọn là đâm ra ngoài, phần còn lại vẫn ở bên trong. Chẳng hạn bệnh nhân lỡ nuốt một cây tăm, tăm đi xuống ruột non, đâm thủng ruột non, thì chỉ có phần đầu nhọn nhô ra ngoài, thân cây tăm vẫn ở trong ruột.
Hiện sức khỏe sau khi mổ của cụ bà đã ổn định, bớt đau bụng, tỉnh táo, ăn uống bình thường. Dự kiến ngày ma,i bà sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Lợi khuyến cáo người dân đau bụng không rõ nguyên nhân kéo dài thì nên sớm đến các cơ sở y tế để thăm khám; không nên tự uống kháng sinh, giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bình luận (0)