PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết nếu F0 được quản lý tốt ở cộng đồng thì sẽ hạn chế tỉ lệ F0 bệnh nhẹ chuyển sang có triệu chứng và trở nặng, hạn chế tỉ lệ tử vong.
Cập nhật thông tin liên tục
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, đến ngày 1-9, thành phố có 91.505 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Trong đó, 64.768 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.737 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tháp 3 tầng theo dõi và điều trị Covid-19, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai mô hình "Tổ y tế từ xa" hỗ trợ theo dõi, chăm sóc F0 đang cách ly tại nhà theo quy định trên địa bàn TP HCM. Đội ngũ tham gia là giảng viên của nhiều chuyên khoa khác nhau, nên những trường hợp F0 có bệnh lý nền sẽ được bác sĩ chuyên khoa trực tiếp tư vấn, hướng dẫn; theo dõi sát bệnh nhân, cá nhân hóa từng người bệnh.
PGS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết mô hình "Tổ y tế từ xa" của trường được thực hiện một cách có hệ thống, trường xây dựng phần mềm quản lý để tình nguyện viên cập nhật thông tin F0, tình trạng bệnh liên tục lên hệ thống, như một hồ sơ bệnh án. Đội ngũ tình nguyện viên sẽ chia mỗi ca một nhóm, theo khu vực cụ thể để kết nối với đội y tế lưu động địa phương nhằm hỗ trợ F0 kịp thời. Một tình nguyện viên có thể theo dõi vài chục bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân nhẹ, tổ tư vấn sẽ hướng dẫn những biện pháp cần thiết khi tự cách ly tại nhà. Trường hợp bệnh nặng, cần can thiệp hoặc phải chuyển viện, tổ tư vấn sẽ liên hệ với đội cấp cứu 115, đội phản ứng nhanh của địa phương phối hợp hỗ trợ bệnh nhân.
“Tổ y tế từ xa” của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) đang tư vấn cho một F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: HIỆP NGUYỄN)
Nhân rộng mô hình
Đến nay, mô hình "Tổ y tế từ xa" đã hỗ trợ theo dõi từ xa cho hơn 1.000 F0, hệ thống sẽ đồng hành với bệnh nhân đến khi khỏi bệnh hoặc chuyển lên tuyến trên, chứ không chỉ giải đáp thắc mắc ngay thời điểm đó.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ kết nối với địa phương để nhân rộng mô hình này, cụ thể sẽ cử 22 giảng viên "cắm chốt" ở 22 quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp Bộ Y tế, Sở Y tế và tiểu ban chống dịch ở địa phương để việc chống dịch chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thực hiện mô hình theo nguyên tắc lồng ghép vào những hoạt động đang được triển khai ở địa phương chứ không tác nghiệp đơn độc hay song song, tránh trùng lặp những phương án đã được triển khai.
"Ngay lúc khó khăn này, chúng ta có thể biến "nguy thành cơ", tạo cơ hội để tăng cường chức năng của y tế cơ sở, tăng thêm nguồn lực, tăng thêm cách phối hợp. Nếu F0 được quản lý chặt ở cộng đồng thì sẽ giảm bớt bệnh nhân lên tầng 2, tầng 3 và hạn chế tỉ lệ tử vong của người bệnh" - PGS Nguyễn Thanh Hiệp nêu ý kiến.
F0 hoặc người nhà chăm sóc F0 để được tư vấn có thể gọi mô hình "Tổ y tế từ xa" qua đường dây nóng 028.9999.115, 0912.620.120 hoặc liên hệ qua Zalo 0926.466.337, 0926.416.833.
Cung cấp ôxy miễn phí
Với mong muốn góp thêm một hơi thở để cùng nhau vượt qua dịch bệnh, BS Trần Thanh Nhân (Bệnh viện Bình Dân, TP HCM) đã thành lập nhóm hỗ trợ ôxy, thăm khám và phát thuốc cho F0, tất cả đều miễn phí. Hiện BS Nhân đang có 40 bình ôxy và 20 máy tạo ôxy, đã hỗ trợ gần 500 F0. Nhóm của BS Nhân (ĐT: 0903947415) sẽ mang ôxy đến tận nhà, tiếp thêm ôxy cho đến khi F0 ổn định hoặc đã được đưa đến bệnh viện an toàn.
Bình luận (0)