Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Hải Liên - Chánh Văn phòng Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM, Tổ trưởng Tổ chuyển cấp cứu của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" - cho biết sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình đã chuyển viện thành công cho hơn 1.000 bệnh nhân.
Triệu phút kết nối
Đã có 4.897 y - bác sĩ, tình nguyện viên tham gia mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" tại TP HCM, Hà Nội, Bình Dương. Mạng lưới tập trung hỗ trợ cho những trường hợp người bệnh chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào cần được đưa đi bệnh viện điều trị; chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn.
Các y - bác sĩ trong mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tư vấn và hướng dẫn cho bệnh nhân Covid-19. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Sau hơn một tháng triển khai, mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đã có 146.455 F0 được thăm hỏi y tế, sàng lọc và phân tầng nguy cơ. Trong đó, có 144.983 F0 ở mức nhẹ và trung bình được theo dõi từ xa. 1.415 F0 ở mức nguy cơ được hỗ trợ chuyển cấp cứu hoặc telehealth (khám chữa bệnh từ xa) tạm thời trong trường hợp cấp bách. Tổng số 454.000 cuộc gọi đã được thực hiện với 1.165.500 phút đàm thoại cùng người bệnh.
Có gia đình chỉ hai mẹ con, cùng dương tính SARS-CoV-2 được điều trị tại nhà. Một giờ sáng ngày cuối tháng 8-2021, người mẹ trở nặng vì có bệnh nền nhưng chưa có xe cấp cứu đến, con trai "đánh liều" gọi đến đường dây nóng của mạng lưới. Khi tiếp nhận, BS Hải Liên tư vấn y tế và tìm hiểu tình trạng bệnh, nhận thấy người mẹ cần chuyển viện để hạn chế nguy cơ tử vong, chị đã liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 và các đơn vị có xe cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân sớm nhất. Sau hàng chục cuộc điện thoại lúc nửa đêm, bệnh nhân đã được chuyển viện.
Phao cứu sinh từ xa
Cũng như BS Hải Liên, hơn một tháng nay, cuộc sống của BS Đỗ Tiến Sơn, Bệnh viện Nhi Trung ương, bị đảo lộn, ăn ngủ là thứ yếu, thời gian trong ngày chỉ dành để xử lý những ca bệnh nặng. BS Sơn cho biết khi bệnh nhân trở nặng, họ có tâm lý hoảng loạn, bất lực nên anh luôn cố gắng tiếp cận nhanh và hỗ trợ hết sức có thể.
Có trường hợp em bé 18 tháng, chưa test nhanh Covid-19 nhưng có triệu chứng thở nhanh, ôxy tụt thấp, ăn kém, bỏ bú. BS Sơn đã gọi điện video cho mẹ bé, quan sát tình trạng của bé, đánh giá mức độ bệnh. May mắn, bé vẫn trong tình trạng có thể kiểm soát được. Bác sĩ Sơn đã hướng dẫn gia đình cách chăm sóc bé trong giai đoạn này và nếu có diễn tiến nặng hơn sẽ làm những việc gì.
Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng xảy ra, một BS của mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" cho biết có trường hợp tất cả thành viên trong gia đình đều là F0, khi tiếp cận thì có người đã chuyển nặng, chiếc máy ôxy đang chạy ở mức cuối cùng vẫn không cải thiện được tình trạng suy hô hấp.
Bình luận (0)