xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn

THÙY LINH

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ TT-TT và Bộ KH-CN sẽ sáp nhập, tinh gọn thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Truyền thông, có sức mạnh, sứ mệnh mới

Ngày 29-12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT). Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ TT-TT và Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) sau hợp nhất sẽ có tên gọi mới là Bộ Khoa học - Công nghệ và Truyền thông, có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn và thực hiện hiệu quả hơn.

Tốp đầu về chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc chuyển đổi số rất mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Với cái mới thì tinh thần khai phá là quan trọng nhất. Năm năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, Chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào tốp nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Tỉ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 85%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023 (79%)…

Năm 2024, doanh thu toàn ngành TT-TT ước đạt 4.243.984 tỉ đồng, tăng 13,2% so với năm 2023; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 109.478 tỉ đồng, tăng 15,1% so với năm 2023. Đóng góp vào GDP của ngành TT-TT ước đạt 989.016 tỉ đồng, tăng 11,2% so với năm 2023.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tham quan các gian hàng bên lề hội nghị.  Ảnh: BỘ TT-TT

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tham quan các gian hàng bên lề hội nghị. Ảnh: BỘ TT-TT

Với việc quản lý không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho rằng cách làm mới mà Bộ TT-TT đặt ra là kết hợp giữa "xây và chống", vừa tạo điều kiện phát triển, đồng thời ngăn chặn các hành vi sai phạm. Năm 2024, bộ đã tạo ra nhiều "trend" (trào lưu) trên mạng xã hội, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", tích cực đẩy tiêu cực như: Tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiến dịch lan tỏa tình yêu nước dịp Quốc khánh 2024…

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), đề xuất cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước mạnh dạn thử nghiệm, đưa vào mô hình kinh doanh mới. Theo ông, tính chất dự án đầu tư mạo hiểm là độ rủi ro cao, tỉ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, bù đắp được chi phí bỏ ra và thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

"Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh"

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận thành quả của ngành TT-TT và mong muốn ngành ngày càng phát triển.

Năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành TT-TT phát huy các kết quả đạt được, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, công nghệ số, góp phần thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về báo chí, Phó Thủ tướng lưu ý cần quản lý chặt chẽ để thật sự là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Ngành TT-TT cần tập trung đấu tranh với thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông; hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ngành TT-TT với hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh - một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy. Do vậy, hai bộ TT-TT và KH-CN hợp nhất với nhau sẽ thành một bộ mới rất quan trọng, rất lớn của đất nước. 

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu (Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120). Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" đã đặt ra cho ngành TT-TT.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo