Đúng nghĩa là một lễ hội, Ngày thơ Việt Nam lan tỏa sức sống mãnh liệt của thi ca đến khắp mọi miền, tạo ra những hòa âm tuyệt đẹp.
Từ năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy rằm tháng giêng âm lịch hằng năm, ngày Bác Hồ viết bài thơ "Nguyên tiêu" từ rằm tháng giêng Mậu Tý (1948) làm "Ngày thơ Việt Nam". Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ "Nguyên tiêu" mãi vang vọng cùng non sông đất nước và hiện hữu như một áng thơ tuyệt mỹ trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Từ đó đến nay, vào ngày rằm tháng giêng hằng năm, trên khắp mọi miền đất nước đều diễn ra nhiều hoạt động phong phú để vui đón Ngày thơ, thể hiện tình yêu lớn lao với thơ như một nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Năm nay, nhiều địa phương tổ chức Ngày thơ sinh động, phong phú. Tại TP HCM, từ năm 2024, Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức chính thức trở thành một trong những hoạt động văn hóa kỷ niệm những ngày lễ lớn của TP HCM. Năm nay, TP HCM chọn chủ đề "Thành phố này tôi đến tôi yêu" với nhiều hoạt động phong phú: hội thảo, tọa đàm, đường thơ, sân thơ trẻ, sân thơ thiếu nhi và phát động cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam" lần 2. Năm nay tỉnh Thái Nguyên chọn chủ đề Ngày thơ là "Chắp cánh tâm hồn thơ". Các tỉnh, thành: Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ, Tiền Giang… đều long trọng tổ chức Ngày thơ với nhiều nội dung phong phú. Một số địa phương đưa thơ đến công chúng rộng rãi như hội thơ ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên duy trì suốt 25 năm qua…
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ là một hoạt động đặc biệt để tôn vinh thi ca, lan tỏa vẻ đẹp và sự cần thiết của thi ca sâu rộng hơn nữa trong đời sống. Tại đây, các nhà thơ thấu hiểu hơn vẻ đẹp và sứ mệnh trong sự sáng tạo thi ca của mình, tìm thấy sự gắn kết giữa con người với con người, giữa cá nhân nhà thơ và cộng đồng rộng lớn, là nguồn cảm hứng lớn lao cho sự sáng tạo lặng lẽ.
Đối với người Việt Nam, thơ còn là biểu hiện của sự trường tồn. Thơ đi cùng chiều dài lịch sử của dân tộc, thơ tạo thành sức mạnh chiến đấu, trong thơ có chất thép kiên cường. Hàng trăm, hàng ngàn nhà thơ đi cùng những cuộc kháng chiến của đất nước, làm thơ, chiến đấu, hy sinh như những người anh hùng, "Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng địch ngoài đồng và hạ trực thăng rơi" (Chế Lan Viên). Đất nước hòa bình, nhà thơ góp phần vào dựng xây đất nước bằng những vần thơ nóng bỏng chất liệu sống và những ưu tư để cùng đánh thức tiềm lực, đưa đất nước vượt khó, phát triển nhanh và bền vững.
Thơ đi cùng cái đẹp vĩnh hằng. Thơ thanh lọc tâm hồn. Thơ chắp cánh cho những ước mơ cao đẹp. Thơ vẫn có giá trị trong tâm thức, trong đời sống của người Việt, thơ không chìm lấp trong những nhộn nhạo thường ngày. Mỗi năm, Ngày thơ Nguyên tiêu để nhắc nhớ, để tôn vinh những giá trị bất biến của thi ca, còn là thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân và những người đã hy sinh cho dân tộc; kỳ vọng vào sự phát triển đi lên của đất nước và thơ luôn đồng hành với người dân Việt Nam trên mọi hành trình.
Bình luận (0)