Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, sương mù dày đặc ảnh hưởng đến các tỉnh Sơn Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây và Phúc Kiến, có tầm nhìn dưới 200 m. Trong khi đó, một số khu vực ở miền Nam như tỉnh Giang Tô và An Huy có tầm nhìn dưới 50 m.
Ngày 4-1, Đài quan sát Khí tượng Trung ương đưa ra cảnh báo màu vàng và cam về sương mù dày đặc. Các nhà dự báo thời tiết Trung Quốc dự đoán sương mù sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực vào ngày 5-1.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin một số khu vực ở tỉnh An Huy đưa ra cảnh báo đỏ về sương mù dày đặc. Đây là cảnh báo mức độ nghiêm trọng nhất. Nhiều đường cao tốc tạm thời bị đóng cửa.
Tại một số nơi của TP Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc), sương mù dày đặc gây cản trở giao thông công cộng ở nhiều mức độ khác nhau.
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc có hệ thống cảnh báo bằng mã màu 3 cấp đối với sương mù dày đặc, trong đó màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp theo là màu cam và màu vàng.
Ứng dụng theo dõi chuyến bay của FlightView.com cho thấy sương mù cũng khiến hàng chục chuyến bay theo lịch trình khởi hành từ sân bay quốc tế Phố Đông tại TP Thượng Hải bị trì hoãn hoặc chuyển hướng trong 3 giờ.
Một người bay từ Thượng Hải đến TP Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) chia sẻ với Reuters rằng máy bay của cô bị hoãn nhiều giờ đồng hồ. Một người khác đưa ra bức ảnh chụp màn sương mù dày đặc màu xám bên ngoài cửa sổ máy bay phủ đầy những hạt mưa li ti.
Trước đó, vào ngày 3-1, hàng chục chuyến bay ở Sân bay quốc tế Song Lưu Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) cũng bị hủy do sương mù dày đặc.
Kể từ ngày 27-12-2023, Trung Quốc hứng chịu đợt sương mù nghiêm trọng nhất mùa thu đông 2023. Hầu hết Trung Quốc phải hứng chịu một đợt rét đậm kỷ lục với nhiệt độ dưới mức đóng băng.
Tính đến ngày 4-1, giới chức Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo sương mù dày đặc trong 9 ngày liên tiếp. Theo các nhà dự báo thời tiết, nguyên nhân của đợt sương mù dày đặc ở Trung Quốc là do độ ẩm cao và điều kiện khuếch tán khí quyển kém.
Dự báo ngày 4-1 có thể có tuyết nhẹ hoặc mưa đá ở các vùng phía Đông Nội Mông, Hắc Long Giang, miền Trung và miền Đông Cát Lâm, miền Đông Liêu Ninh, miền Nam Tây Tạng và miền Nam cao nguyên Tứ Xuyên.
Bình luận (0)