Song song với việc trao giải cuộc thi viết "Người Thầy thuốc trong tôi" lần 3, chiều 24-2, Báo Người Lao Động đã dành nhiều hoạt động tôn vinh tập thể, cá nhân ngành y nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các thầy thuốc, nhân viên y tế - những người đã và đang ngày đêm cống hiến, hy sinh vì sức khỏe và cuộc sống của người dân.
"Sống chết" với nghề
Theo đó, Báo Người Lao Động tôn vinh và trao tặng danh hiệu "Bác sĩ tiêu biểu" cùng kỷ niệm chương cho 3 cá nhân: Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) - nhân vật trong bài dự thi "Chuyện "bác sĩ khám dạo" ở xã đảo Thạnh An"; bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc - nhân vật trong bài dự thi "Dành hết tâm, trí cho phẫu thuật tạo hình"; bác sĩ Trần Công Ân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn, Quảng Nam).
Thầy thuốc Trần Công Ân không chỉ là một bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu lòng nhân ái mà còn là nhà quản lý tài năng. Từ một "nhà thương làng", sau gần 20 năm dưới sự lèo lái của "thuyền trưởng" Trần Công Ân, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức vươn lên thành một thương hiệu bệnh viện tư nhân hàng đầu khu vực miền Trung. Cơ sở y tế này sở hữu và làm chủ vận hành nhiều thiết bị, kỹ thuật y khoa hiện đại, khám chữa bệnh với chi phí hỗ trợ cho người dân trong vùng còn nhiều khó khăn của Quảng Nam. "Sức mạnh mềm" làm nên tên tuổi của bác sĩ Ân nói riêng, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức nói chung chính là y đức.

Các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân 115 nhận tặng thưởng “Mai Vàng tri ân” với kỹ thuật ứng dụng kỹ thuật công nghệ RAPID AI, cứu sống hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng gần 2 thập kỷ tận tâm với nghề, dù điều kiện, cơ sở vật chất y tế còn nhiều khó khăn nhưng bác sĩ Luân Thanh Trường vẫn kiên quyết bám trụ xã đảo Thạnh An. Ở đây, ông không chỉ là thầy thuốc mà còn là một người bạn, người thân của người dân. "Khi đến Thạnh An, lúc đầu tôi nghĩ "lấy công làm lời" vì tình nguyện đi vùng sâu vùng xa sẽ có một số ưu đãi nhất định. Nhưng khi đến đây, nghe kể có bé trai 7-8 tuổi mất vì tiêu chảy, những bé bị động kinh... rất cần bác sĩ. Chính những điều này đã níu giữ tôi ở lại, xem xã đảo là nhà của mình" - bác sĩ Luân Thanh Trường tâm sự.
Chia sẻ tại lễ vinh danh, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, người thực hiện gần cả ngàn ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, tái sinh cuộc đời cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn, cho biết đóng góp của ông cho ngành y là dần xóa bỏ định kiến tiêu cực về tạo hình thẩm mỹ, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực này. "Trong quá trình làm nghề, sự tin tưởng của bệnh nhân là điều giúp tôi có động lực dấn thân và quyết tâm với nghề" - bác sĩ Tú Dung nói.
Giữ thiên chức làm mẹ, cứu hàng ngàn ca đột quỵ
Tại buổi lễ, Báo Người Lao Động còn trân trọng vinh danh và trao tặng "Mai Vàng tri ân" đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM và BS-CK2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa của bệnh viện.
Trước đây, bất cứ phụ nữ nào không may mắc ung thư cổ tử cung đều phải trải qua quá trình điều trị như phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị, xạ trị, dẫn đến mất khả năng mang thai. Chứng kiến nỗi đau không thể làm mẹ của nhiều phụ nữ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đã cùng với tập thể Khoa Ngoại phụ khoa đã tìm ra phương pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u - bảo tồn cổ tử cung, không chỉ cứu mạng mà còn giữ được thiên chức làm mẹ cho nhiều bệnh nhân ung thư. Phương pháp tiên tiến này từng được biết đến rộng rãi qua bài viết "Cứu tinh của bệnh nhân ung thư cổ tử cung", đăng trên Báo Người Lao Động.
"Phụ nữ nếu không may mắc ung thư ở giai đoạn sớm, đừng ngần ngại đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, bảo vệ chức năng làm mẹ của mình" - bác sĩ Tiến nhắn nhủ ngay tại lễ vinh danh.
Cùng được tôn vinh và trao tặng "Mai Vàng tri ân" là Bệnh viện Nhân dân 115 của BS-CK2 Nguyễn Đức Khang, Trưởng Khoa Chấn đoán hình ảnh (từng được kể qua bài viết "Thần tốc cứu mạng bệnh nhân đột quỵ").
Được đưa vào triển khai từ năm 2018, phần mềm RAPID của Bệnh viện Nhân dân 115 đã cứu sống hơn 5.000 ca bệnh đột quỵ trở về cuộc sống bình thường" nhờ mở rộng cửa sổ điều trị từ 24 giờ lên 30 giờ sau khi bệnh nhân bắt đầu xảy ra triệu chứng.
BS-CK2 Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết để có được những kỹ thuật chuyên sâu và tiên tiến như ngày hôm nay, đội ngũ nhân viên của bệnh viện đã có nhiều trăn trở. Trong đó, BS -CK2 Nguyễn Đức Khang là người có công rất lớn. Bệnh viện Nhân dân 115 còn tích cực xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ tại Việt Nam, hiện đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho 96 đơn vị trên toàn quốc.
Bình luận (0)