TS-BS Phạm Nguyên Quý đang công tác tại Bệnh viện Kyoto Miniren (Nhật Bản) được bệnh nhân ung thư Việt Nam trìu mến gọi là "bác sĩ tử tế". Ông không chỉ tận tâm chữa bệnh nơi đất khách quê người mà còn dành nhiều thời gian và công sức để hỗ trợ bệnh nhân ung thư ở quê nhà.
Vá "lỗ hổng" kiến thức về ung thư
Trăn trở trước thực trạng nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam thiếu kiến thức về bệnh dẫn đến sức khỏe ngày càng suy kiệt, thậm chí không giữ được mạng sống, bác sĩ Quý đã nỗ lực xây dựng các kênh thông tin y khoa chính thống, giúp người bệnh tiếp cận kiến thức và phương pháp điều trị đúng đắn.
"Tôi muốn xây dựng, phát triển mạng lưới những người thông thái về ung thư có thể tư vấn sơ bộ cho người bệnh. Bệnh nhân đã chữa lành bệnh ung thư còn truyền thêm hy vọng cho những bệnh nhân mới mắc" - bác sĩ Quý chia sẻ.
Từ năm 2017, bác sĩ Quý nhận thấy những "lỗ hổng" về kiến thức ung thư của đồng bào trong nước. Người dân thực hành kiến thức bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình chủ yếu thông qua truyền miệng, thậm chí lời nói "bà hàng xóm" còn có giá trị hơn cả bác sĩ. Chưa kể, nhiều thông tin không chính thống, thậm chí lừa đảo, về điều trị ung thư được lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội khiến nhiều bệnh nhân tin theo và "tiền mất tật mang".
Để vá "lỗ hổng" kiến thức về ung thư trong cộng đồng, bác sĩ Quý cùng tổ chức Y học Cộng đồng đã triển khai dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Dự án cung cấp thông tin chính xác, khoa học về bệnh ung thư, chống tin đồn/tin giả để bệnh nhân và người nhà có thể tham khảo. Dự án cũng hướng tới mục tiêu kết nối bác sĩ và bệnh nhân, góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Năm 2021, bác sĩ Quý tiếp tục phối hợp cùng 2 người bạn lập ra website Yhoccongdong.com. Ở đây lưu trữ các bài viết y học chính thống dành cho cộng đồng được dịch thuật lại từ các website uy tín của nước ngoài và được hiệu đính chặt chẽ bởi đội ngũ y, bác sĩ trong và ngoài nước.
Phụng sự cộng đồng
Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư của bác sĩ Quý đã giúp đỡ hàng chục nghìn người bệnh có thêm kiến thức để tự chăm sóc bản thân và có những hướng điều trị phù hợp.
Ông Trần Thanh Bình (ngụ Bình Định) bị mắc ung thư đại tràng. Ban đầu, vì thiếu kiến thức, không hiểu đúng về bệnh, lại tin lời quảng cáo của mạng xã hội, ông Bình tự mua thực phẩm chức năng về dùng và bệnh tình ngày một xấu đi. Sau đó, ông Bình tham gia vào các khóa học online của bác sĩ Quý, các bác sĩ trong tổ chức Y học Cộng đồng và đã biết cách đối mặt với ung thư bằng các kiến thức khoa học. Từ đó, bệnh tình cải thiện, chất lượng sống của ông Bình ngày càng khá hơn.
"Ở bác sĩ Quý, tôi thấy được tấm lòng cho đi, không mưu cầu cho bản thân bất cứ thứ gì. Bác sĩ Quý là người học cao, có tài. Nhiều người có điều kiện như vậy, họ sẽ vun vén cho sự nghiệp tương lai thành ông nọ, bà kia. Bác sĩ Quý thì khác, những kiến thức học được bác sĩ vun vén cho cộng đồng để mọi người cùng tốt lên" - ông Bình nhận xét.
Bà Hồng Khanh (SN 1984, ngụ Quảng Ninh) có một thời gian dài vật vã vì những cơn đau cắn xé cơ thể do mắc ung thư vòm họng giai đoạn 4b. Chịu tác dụng nặng nề của hóa chất và hóa xạ trị khiến miệng, lưỡi, họng bà Khanh bị lở loét nghiêm trọng. Quá đau đớn, bà Khanh phải dùng tới thuốc giảm đau nhưng cứ uống xong được một lúc lại nôn ra.
Tham gia khóa học "Thông thái về ung thư" do nhóm Y học Cộng đồng tổ chức, bà Khanh biết đến bác sĩ Quý và nhắn tin cho ông để xin lời khuyên. Thông qua quan hệ cá nhân, bác sĩ Quý kết nối bà Khanh với một bác sĩ chuyên về chăm sóc giảm nhẹ ở Việt Nam. Nhờ có sự tư vấn cặn kẽ của bác sĩ Quý và các bác sĩ ở Việt Nam, bà Khanh đã giảm đau, cộng thêm dinh dưỡng tốt, đã dần vượt qua giai đoạn khóa khăn nhất của điều trị ung thư.
"Tôi khỏe lên rất nhiều, hạnh phúc ngay cả khi mắc ung thư. Tôi đã gặp được những bác sĩ tử tế của Y học Cộng đồng. Tôi biết ơn bác sĩ Quý, nhờ ông mà tôi được tiếp tục sống và sống vui vẻ" - bà Khanh bày tỏ.
Ông Bình và bà Khanh là hai trong hàng chục nghìn trường hợp đã chiến đấu với ung thư nhờ sự thông thái. Đặc biệt, sau khi khỏe lên, họ quay trở lại làm cộng tác viên cùng tham gia dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư cùng bác sĩ Quý và các cộng sự.
Gieo mầm hy vọng
Khi theo đuổi dự án Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, cũng có lúc bác sĩ Quý thấy mệt mỏi muốn bỏ cuộc vì đội ngũ cộng sự quá mỏng. Chưa kể, việc làm tử tế của ông gặp phải không ít trở ngại.
Thuyết phục người bệnh đi theo hướng điều trị khoa học, tưởng là việc đương nhiên, nhưng thực tế lại chưa bao giờ dễ dàng. Bác sĩ Quý từng bị tấn công cá nhân gay gắt trên mạng xã hội khi đăng tải những nội dung chỉ ra các điểm phi khoa học, gây hại của những phương pháp phòng ngừa, điều trị ung thư bằng ăn chay thực dưỡng, thụt tháo đại tràng bằng cà phê...
"Người bệnh ung thư không đủ thông tin, không có tia hy vọng thì có thể làm theo bất cứ lời mách "điên rồ" như ăn giun đất, uống nước tiểu, uống sừng tê giác, uống nước kiềm… để rồi chịu cảnh tiền mất, bệnh ngày càng nguy kịch" - bác sĩ Quý trăn trở.
Bác sĩ Quý cho biết ông từng chỉ trích gay gắt bệnh nhân khi tự ý bỏ điều trị. Nhưng sau đó ông nhận ra có thể cách truyền đạt thông tin về bệnh của bác sĩ chưa hợp lý, không mang lại hy vọng cho người bệnh. Một lần, bác sĩ Quý khám cho một bệnh nhân ung thư ở Nhật. Khi ông viện dẫn hàng loạt số liệu về tỉ lệ thành công, thời gian sống trung bình… thì bệnh nhân ngắt lời: "Bác sĩ giải thích luyên thuyên, khoe kiến thức với ai... Tôi không cần biết những con số, tôi chỉ cần một tia hy vọng".
"Nói chuyện với bệnh nhân là kỹ năng mà tất cả bác sĩ cần phải học" - bác sĩ Quý đúc kết.
Bác sĩ Quý nhận ra dù bác sĩ kiến thức uyên bác đến đâu, có trong tay cả ngàn bằng chứng khoa học thì cũng sẽ "thua" lang băm nếu không gieo được tia hy vọng cho bệnh nhân. Người bệnh không tìm thấy hy vọng ở bác sĩ, họ sẽ tìm niềm hy vọng ở chỗ khác. Đây cũng là lý do vì sao nhiều bệnh nhân ung thư lại từ bỏ điều trị để tin vào các "thần y", lang băm.
"Để gieo được hy vọng cho bệnh nhân thì bác sĩ phải đặt mình vào vị trí người bệnh. Như vậy mới hiểu nỗi khổ của họ, nhưng vẫn phải giữ được sự bình tĩnh khách quan để đưa ra lời khuyên phù hợp cho người bệnh" - bác sĩ Quý nhìn nhận.
Chữa lành tổn thương tinh thần
Theo bác sĩ Quý, cốt lõi của điều trị ung thư là giúp bệnh nhân hiểu hơn giá trị của sự sống và cái chết, từ đó sống ý nghĩa hơn. Dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư của bác sĩ Quý và những người bạn không chỉ hỗ trợ bệnh nhân những kiến thức khoa học trong điều trị bệnh, mà còn giúp nhiều người xoa dịu, chữa lành những tổn thương tinh thần vốn thường rất nặng nề do ung thư gây ra.
Bình luận (0)