xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tấm lòng với quê hương ngàn dặm

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Những năm 1960 tại miền Nam Việt Nam, một lớp thanh niên được cử đi du học ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Sau này, họ trở thành những người có tên tuổi và có nhiều đóng góp cho đất nước.

Họ đã bay hơn nửa vòng trái đất để đến những nơi xa xôi như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Ý, Bỉ… với kỳ vọng sẽ được đào tạo thành nhân tài. Một số người khác, trong đó có Trần Văn Thọ, chọn đi con đường ngắn hơn - sang Nhật Bản, cũng với lòng tin về một nền giáo dục hiện đại sẽ được thụ hưởng.

Đi Nhật Bản mà học về kinh tế như Trần Văn Thọ thì quá hợp "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Bại trận sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bị tàn phá về vật chất và thương tổn về tinh thần, song nước Nhật đã nén nỗi đau và vết nhục, vực dậy tinh thần dân tộc để phục hưng đất nước, trở thành một nền kinh tế thị trường phát triển hàng đầu thế giới, khiến nhân loại kính nể.

Nhật Bản và Việt Nam ở cùng khu vực "văn minh Đông Á". Hai nước từng có mối liên hệ về giáo dục từ đầu thế kỷ 20, khi phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng đã đưa 200 thanh niên Việt Nam đầu tiên sang Nhật du học.

1692845.jpg

Ảnh minh hoạ

Được đào tạo và tự đào tạo thành một nhà kinh tế học uyên bác, GS Trần Văn Thọ không dừng lại ở những kiến thức lý thuyết mà luôn tìm cách vận dụng vào những lĩnh vực quan yếu của đời sống xã hội.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, GS Trần Văn Thọ về nước, tham gia nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và được thỉnh giảng ở một số trường đại học. Ông đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cho sự phát triển kinh tế của đất nước từ sự tiếp thu có sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Nhật Bản và thế giới.

Theo GS Trần Văn Thọ, hai nhân tố then chốt dẫn đến sự tiến bộ thần kỳ của đất nước mặt trời mọc là năng lực xã hội - trong đó bao gồm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm - và thể chế với tư cách một nhà nước kiến tạo phát triển. Sống trong lòng xã hội Nhật Bản 56 năm, ông tận mắt chứng kiến và suy ngẫm về những vấn đề cụ thể, như khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, xây dựng đường sắt cao tốc, giải pháp thi tuyển công chức…

Tuy vậy, GS Trần Văn Thọ không phải là người ủng hộ thuyết duy kinh tế hay chủ nghĩa tự do trong kinh tế. Bàn về những vấn đề kinh tế, bao giờ ông cũng gắn với nền tảng văn hóa và con người, trong đó văn hóa là động lực của sự phát triển, còn giáo dục thì định hướng cho tương lai của văn hóa.

Thật ra, nhiều năm qua, không chỉ riêng GS Trần Văn Thọ mà nhiều trí thức ưu thời mẫn thế, dù chuyên sâu và thành đạt trong lĩnh vực nào, cũng đều quan tâm suy nghĩ và hiến kế cho giáo dục Việt Nam. Bởi lẽ, họ ý thức rằng giáo dục là lĩnh vực liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác. Hơn thế, một nền giáo dục có thực chất mới giải quyết được căn bản những vấn nạn về nhân sự, tri thức sáng tạo và thị trường lao động.

Huỳnh Như Phương.jpg

Tác giả (GS Huỳnh Như Phương) trong một dịp gặp gỡ, trao đổi với GS Trần Văn Thọ (bên trái) tại TP HCM. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Trên tinh thần đó, những ý kiến của GS Trần Văn Thọ về hệ thống đại học công lập và tư thục, tổ chức đào tạo và cấp bằng tiến sĩ, việc chọn ngành học phục vụ chiến lược công nghiệp hóa… đều rất đáng suy ngẫm.

Đọc những cuốn sách và bài viết của GS Trần Văn Thọ, chúng ta có thể thấy rằng hướng đi trong cuộc đời mỗi người vừa là kết quả tác động từ hoàn cảnh khách quan, vừa là sự kết tinh từ phẩm chất, năng lực và hoài bão của chính người đó.

Theo tâm sự của tác giả, sau khi đỗ tú tài toàn phần Ban Triết, chàng trai Hội An - Quảng Nam vào Sài Gòn với ý định theo học năm dự bị Văn Khoa ở Ban Văn chương Việt Nam, rồi sẽ chuyển sang học Trường Đại học Sư phạm để trở thành một thầy giáo trung học. Một hôm, tình cờ đi ngang cổng Bộ Quốc gia Giáo dục trên đường Lê Thánh Tôn, đọc thấy thông báo tuyển sinh du học theo học bổng của chính phủ Nhật Bản, ông nộp hồ sơ, dự thi và trúng tuyển.

Đặt chân đến Tokyo năm 1968, mãi hơn nửa thế kỷ sau, GS Trần Văn Thọ mới về thăm lại Trường Đại học Văn khoa - nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Đây là nơi ông từng nghe những bài giảng văn chương trong niên khóa đầu tiên.

Hôm GS Trần Văn Thọ về thăm trường cũ, chúng tôi ngồi với nhau quanh bàn cà phê trên sân thượng Văn Khoa, nhớ lại những thầy giáo nay đã ra người thiên cổ: Nguyễn Khắc Hoạch, Phạm Việt Tuyền, Lưu Khôn. Cảm động nhất là khi nhắc đến nhà giáo Huỳnh Ngọc Hòa, tức Huỳnh Phan, người anh kết nghĩa đã giúp đỡ Trần Văn Thọ trong những ngày tháng đầu tiên vào đại học.

Huỳnh Phan, tác giả cuốn sách "Câu chuyện thầy trò", là người đã tổ chức một cuộc phỏng vấn sâu rộng vể cải tổ giáo dục khi mới là sinh viên sư phạm. Đây là một trong những cuốn sách tâm đắc mà tôi đã trích dẫn trong bài báo viết năm 1972 ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) và trong cuốn "Ước vọng cho học đường" xuất bản gần đây.

Cũng như Huỳnh Phan và Trần Văn Thọ, những sinh viên Việt Nam dù đi đến chân trời nào vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò của cụ Phan Châu Trinh: "Chi bằng học". Học để nên người và để góp một phần khiêm tốn cho đời. Họ có thể khác nhau cả về hoàn cảnh lẫn tuổi tác, có thể chưa hề quen biết, mà vẫn gặp nhau trong chí hướng, trong ước vọng và hoài bão về một nền giáo dục nhân bản, khai phóng mang tinh thần dân tộc và hiện đại.

Cũng như GS Trần Văn Thọ, sinh viên Việt Nam dù đi đến chân trời nào vẫn luôn ghi nhớ lời dặn dò của cụ Phan Châu Trinh: "Chi bằng học". Học để nên người và để góp một phần khiêm tốn cho đời.S


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo