Ngày 23-4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (AFF 2024) lần đầu tiên, được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm", diễn đàn có sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó đông đảo diễn giả là lãnh đạo cấp cao của ASEAN và các nước ASEAN.
Phát biểu đề dẫn diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện 5 tăng cường để hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045. Đó là: ASEAN cần tăng cường đoàn kết; tăng cường tin cậy chiến lược; tăng cường chuyển đổi số, phát triển xanh.
Cần tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm; tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công tư; tạo đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực, hạ tầng và quản trị quốc gia.
Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận toàn thể với chủ đề "Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm", các đại biểu đã bàn về cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực; trao đổi, đề xuất những hướng đi giúp ASEAN đóng góp hiệu quả hơn vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Chủ tịch Thượng viện Úc Sue Lines, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar… đã có những phát biểu trực tiếp và ghi hình, nhấn mạnh quyết tâm với ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực; hướng đến một chuỗi cung ứng đa dạng, an toàn, minh bạch và tự cường trong tương lai.
Trong thông điệp ghi hình, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair nhấn mạnh các nước ASEAN cần hội tụ để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng xanh. Anh có thể hỗ trợ các chính phủ tận dụng những cơ hội đến từ tiến trình này.
Cùng ngày, trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024, đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số".
Tọa đàm đã thảo luận sôi nổi về cơ hội, thách thức trong hợp tác kinh tế số của ASEAN; giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và đối tác trong kinh tế số; khuyến nghị hình thành hệ sinh thái kinh tế số ASEAN; yêu cầu đặt ra trong phát triển thương mại điện tử ở ASEAN hiện nay; thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn ở khu vực ASEAN.
Các đại biểu cũng thảo luận về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị doanh nghiệp và đề xuất hợp tác với các nước ASEAN; chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin; hợp tác xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao…
Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương Scott Beaumont cho rằng tiềm năng kinh tế số của ASEAN có thể tăng gấp đôi hiện nay. Muốn vậy, ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm dữ liệu - nhất là dữ liệu quốc gia, môi trường pháp lý - đủ mạnh, bảo đảm cho các nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đề ra…
Bày tỏ niềm tin vào một Cộng đồng ASEAN số hóa trong tương lai không xa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu. Trong đó, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số; thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế số của ASEAN; đề nghị các nước, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác về chuyển đổi số để tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.
Tổng Thư ký ASEAN khẳng định AFF là sáng kiến quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam trong việc thúc đẩy hình thành một diễn đàn của riêng ASEAN về chính tương lai của ASEAN; góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, thích ứng nhanh chóng trước những biến động về địa chính trị cũng như cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực.
Bình luận (0)