icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tận dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe

Nhóm Phóng viên

Tận dụng các khu vực gầm cầu đúng cách, đúng mục đích sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hạ tầng, phục vụ đời sống của người dân

Cầu Ba Son (kết nối quận 1 với TP Thủ Đức, TP HCM) được khánh thành và thông xe vào ngày 28-4-2022. Cây cầu có chiều dài hơn 1.400 m, 6 làn xe, là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn, được nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, vui chơi, đi bộ hóng mát dọc theo tuyến đường quanh gầm cầu.

Gầm cầu thành nơi bỏ rác, vật liệu xây dựng

Theo quan sát, diện tích và độ cao của gầm cầu có thể tận dụng làm công viên nhỏ, trang bị một số thiết bị tập thể dục phù hợp phục vụ người dân. Tuy nhiên, hiện khu vực này trở thành nơi giăng võng nghỉ ngơi của một số tài xế xe công nghệ, shipper, người câu cá…

Cầu Calmette, cầu Ông Lãnh (nối quận 1 với quận 4), cầu Nguyễn Văn Cừ (nối quận 5 với quận 4, quận 8), cầu Chữ Y (nối quận 5 với quận 8), cầu Phú Mỹ (đoạn TP Thủ Đức và quận 7)... đều có vị trí gầm cầu bỏ trống hoặc bị biến thành nơi tập kết rác, nơi nghỉ ngơi của cánh xe ôm, người bán hàng rong, người lang thang, bày bàn ghế bán cà phê, quán ăn... làm ảnh hưởng đến an ninh trật tư, mỹ quan đô thị.

Thậm chí gầm cầu Bình Lợi trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn thuộc TP Thủ Đức, nhiều năm qua là điểm tập kết vật tư, thiết bị, sắt, thép, gỗ, xe, được quây kín bằng hàng rào sắt cao khoảng 1,5 m.

"Tình trạng lấn chiếm gầm cầu Bình Lợi để buôn bán diễn ra từ sáng đến khuya, rất lộn xộn" - bà Minh Huệ (57 tuổi, sống trên đường Phạm Văn Đồng) nói.

Tương tự, hai bên cầu Rạch Lăng (đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh), cầu Kinh Thanh Đa, cầu Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) cũng nhếch nhác với đủ loại rác như thùng xốp, ghế đá cũ, rác thải sinh hoạt, nhiều lần người dân đốt rác ở đây gây cháy lan...

"Gầm cầu mà bày hàng quán, nhà kho, thậm chí biến thành nhà vệ sinh công cộng, rất mất vệ sinh và an ninh trật tự" - ông Lê Văn Thảo (65 tuổi; ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) bức xúc.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 600 cây cầu lớn nhỏ, các khoảng không dưới những cây cầu này chưa được nhìn nhận như một nguồn lực cho giao thông tĩnh. Ví dụ như gầm cầu cạn Vành đai 3, đoạn từ Linh Đàm - cầu Thăng Long, dù hàng loạt cao ốc và khu dân cư mọc lên, nhu cầu về bến bãi gửi xe ngày càng lớn nhưng lại chưa được nghiên cứu khai thác để tận dụng.

Có một số gầm cầu sau một thời gian giao cho đơn vị của thành phố tổ chức trông giữ xe đã bị thu hồi. Nghịch lý là sau thu hồi, những gầm cầu này lại biến thành các bãi đỗ xe "chui" sinh lời cho cá nhân, gây mất an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường cho khu vực...

Cảnh nhếch nhác dưới gầm cầu Bình LợiẢnh: Anh Vũ

Cảnh nhếch nhác dưới gầm cầu Bình LợiẢnh: Anh Vũ

Giảm áp lực hạ tầng, đáp ứng nhu cầu người dân

Tại chương trình kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Một số đại biểu Quốc hội cho hay theo quy định hiện nay, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu đỗ xe ở TP HCM, Hà Nội là rất lớn, người dân cần có thêm nhiều khu phục vụ hoạt động thể dục thể thao... Việc tận dụng các diện tích dạ cầu để tổ chức các bãi giữ xe, hoạt động thể dục thể thao, phục vụ mục đích công cộng sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị... UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu, cảng đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; không làm ảnh hưởng đến an toàn, kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, bảo đảm về phòng chống cháy nổ và không gây mất trật tự an toàn giao thông.

Về vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết trong số gần 600 cây cầu lớn nhỏ trên địa bàn, việc trông giữ xe khu vực gầm cầu sẽ giải quyết một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh.

"Theo quy hoạch, diện tích đất cho giao thông tĩnh của thành phố phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện nay mới chỉ đạt 0,6%. Trong khi đó, tình hình đầu tư chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nên không thể ngay lập tức có hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu của người dân" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội) nhận định.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội, nhiều đô thị phát triển trên thế giới đã tận dụng gầm cầu vào nhiều mục đích. Tùy khoảng tĩnh không có thể bố trí đỗ ô tô, xe đạp, xe máy hoặc trồng hoa, cây cảnh, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao..., tạo một không gian đô thị văn minh, sạch đẹp.

"Với lợi thế đã có sẵn mặt bằng, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh, không phải đầu tư lớn về xây dựng, việc tận dụng các khu vực gầm cầu đúng cách, đúng mục đích sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho hạ tầng xã hội, phục vụ đời sống của người dân ngày một tốt hơn" - ông Nguyễn Xuân Tân nói.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM), TP HCM còn thiếu nhiều bãi đỗ xe trong khi nhu cầu rất lớn, nếu sử dụng không gian gầm cầu làm bãi xe thì quá tốt. "Thành phố có nhiều cầu đường bộ nhưng gầm cầu chủ yếu trồng cây hoặc để trống mà không phục vụ thêm gì cho giao thông thì rất lãng phí. Việc giao cho cấp tỉnh quyết định mục đích sử dụng gầm cầu là điều hoàn toàn hợp lý, đáp ứng tình hình thực tế địa phương. Thành phố nên khảo sát lại toàn bộ các khu vực dưới cầu đường bộ và chọn những nơi phù hợp để làm bãi giữ xe, bảo đảm kết nối mà không gây ùn tắc, mất an toàn giao thông" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến. 

Nên cân nhắc

Để phát triển TP HCM trở nên văn minh hơn, thành phố nên xây dựng các bến bãi đã có theo quy hoạch, kết hợp các dịch vụ bến bãi nhằm tăng tính khả thi khi thu hồi vốn. Trường hợp sử dụng gầm cầu cạn để làm bãi đỗ xe thì sẽ gây cản trở giao thông khi ra vào khu vực đó; việc lấn chiếm để sử dụng chung khu vực cũng khó tránh khỏi.

Tóm lại, cần cân nhắc việc tận dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe. Nên nhìn dưới góc độ an toàn giao thông, trật tự đô thị, cảnh quan đường phố. Ngoài ra, nếu có hàng loạt bãi đỗ xe như vậy ra đời thì việc quản lý nhà nước cũng khó khăn do lực lượng địa phương hiện thiếu biên chế.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường TP HCM

Không gian tiềm năng cho mục đích công

Tại các thành phố hiện đại trên thế giới có quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc tận dụng những không gian sẵn có để phát triển các công trình công cộng là một giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Gầm cầu dần được xem như một nguồn lực tiềm năng để kiến tạo những điểm nhấn đô thị và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia tiên phong trong việc sử dụng gầm cầu cho các mục đích đa dạng, mang lại hiệu quả cao. Gầm cầu thường là những không gian trống trải, việc sử dụng làm bãi đậu xe giúp tận dụng hiệu quả quỹ đất đô thị.

Ngoài ra, gầm cầu cũng được tận dụng để khai thác tiềm năng kinh tế. Cụ thể, gầm cầu có thể được sử dụng cho thuê mặt bằng kinh doanh, tổ chức sự kiện, góp phần tăng nguồn thu cho địa phương và tạo việc làm cho người dân.

Tại Mỹ, công viên bãi đậu xe Cesar Chavez, bang California nằm dưới cầu cao tốc, rộng 1,2 ha, cung cấp không gian xanh, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn từ môi trường giao thông gần đó. Trong khi đó, công viên The Fields ở TP Chicago rộng 4,8 ha từng là bãi đậu xe ngầm, sau đó được cải tạo thành công viên với nhiều tiện ích như sân chơi, sân bóng rổ, khu dã ngoại và vườn hoa.

Tại Anh, cầu Golden Jubilee ở London dành cho người đi bộ và xe đạp có khu vườn nhỏ nằm dưới cầu, tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo và thu hút du khách.

Ở Pháp, bãi đậu xe ngầm dưới cầu Alexandre III ở thủ đô Paris có sức chứa 900 xe, bảo đảm an toàn và tiện lợi cho người sử dụng.

Tại châu Á, một số nước cũng tận dụng hiệu quả không gian dưới cầu cho mục đích công cộng. Điển hình tại Hàn Quốc, công viên Yeouido Hangang ở thủ đô Seoul nằm dưới cầu Yeouido, rộng 88.000 m², với nhiều thảm cỏ, khu vui chơi trẻ em, khu thể thao, góp phần cải thiện cảnh quan bờ sông và tạo không gian thư giãn cho người dân.

Độc đáo hơn là công viên Seoullo 7017 ở thủ đô Seoul được xây dựng trên nền đường cao tốc cũ, dài 17 km với nhiều tiện ích như khu đi dạo, vui chơi giải trí, khu triển lãm nghệ thuật, góp phần tạo thêm mảng xanh cho thành phố và là điểm tham quan nổi tiếng.

Xuân Mai


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo