Ủng hộ đề xuất tìm vị trí các khu đất công để xây dựng nhà xe cao tầng, lắp ghép của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, cho rằng thành phố có sự mất cân đối rất lớn giữa giao thông tĩnh và giao thông động. Trong bối cảnh hiện nay, bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe thông minh là rất cần thiết do khu vực nội đô, nhu cầu rất cao nhưng quỹ đất không nhiều.
Cân đối giao thông tĩnh và động
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, sau bước khảo sát, cơ quan chức năng cần phân bố hợp lý vị trí các bãi đỗ xe thông minh, tránh tình trạng có khu vực xây dựng bãi đỗ xe thuận tiện nhưng nhu cầu ít. Ngoài ra, lưu ý kết nối giao thông giữa bãi đỗ xe thông minh với khu vực lân cận, bảo đảm người dân đến nơi làm việc thuận tiện.
Ủng hộ quan điểm xây bãi đỗ xe cao tầng, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường TP HCM, lưu ý Sở GTVT cần lên bình đồ để biết khoảng cách giữa các bãi xe, số lượng xe, từ đó cân đối nhu cầu của người dân giữa các khu vực. Nên lựa chọn công nghệ vừa phải, không tốn quá nhiều chi phí để thu hút nhà đầu tư tham gia và đưa ra mức phí hợp lý cho người sử dụng.
Ô tô đỗ dài trên đường Nguyễn Du, quận 1, TP HCM. Ảnh: THU HỒNG
"Xây dựng các bãi đỗ xe là việc cần làm ngay nhằm hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng. Khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng thì phải có các bãi đỗ xe" - TS Phạm Viết Thuận nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Zentado (đơn vị chuyên thiết kế, kinh doanh nhà di động), khẳng định công nghệ của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể làm được bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép.
Thành phố nên vận hành các bãi xe này theo hình thức xã hội hóa nhằm đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp (DN). "DN sẽ đầu tư trang thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Các nước trên thế giới cũng đang vận hành bãi đỗ xe theo hình thức này.
Với nhu cầu như hiện nay ở TP HCM thì việc đầu tư bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép cũng như thu hồi vốn nhanh là hoàn toàn khả thi" - ông Huỳnh Bảo Toàn chia sẻ quan điểm.
Thu phí doanh nghiệp hưởng lợi từ bãi đỗ xe
Cho rằng việc xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép là cần thiết, tuy nhiên kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn không đồng ý 2 vị trí đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ở một phần lòng đường Lê Lai (đoạn từ Phạm Hồng Thái đến Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1) và một phần lòng đường Hải Thượng Lãn Ông (trước chợ Kim Biên, quận 5) vì sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Riêng vị trí trước Công viên Lê Văn Tám, nên chọn nơi góc khuất với diện tích nhỏ, tránh làm ảnh hưởng đến không gian công viên.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiến kế nên rà soát các bãi đỗ xe hiện tại ở khu trung tâm, điển hình đường Nguyễn Huệ, Tôn Thất Đạm có 2 bãi đỗ xe rất lớn, từ đó ký hợp đồng với đơn vị chủ quản, xây dựng bãi đỗ xe cao tầng.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh thành phố nên đặt lại vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thiếu bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm.
Các quy định kinh doanh dịch vụ, thương mại đều có quy chuẩn rõ ràng, ví dụ nhà hàng bao nhiêu ghế ngồi thì phải có bãi đỗ xe cho khách, hay dịch vụ thương mại cứ 100 m2 phải có bãi đỗ xe... Tuy nhiên, khi cấp phép kinh doanh, đơn vị cấp phép đã bỏ qua.
"Ở nước ngoài, giấy phép kinh doanh có thời hạn và song hành với giấy phép bãi đỗ xe. Do đó, thành phố nên rà soát lại, yêu cầu DN kinh doanh dịch vụ, thương mại thực hiện đúng quy định, có diện tích bãi đỗ xe. Nếu không đáp ứng thì đến năm 2024 xem xét lại việc cấp giấy phép kinh doanh. Hoặc phải có bãi đỗ xe cho khách hoặc phải đóng phí cho thành phố để cung ứng dịch vụ này. DN kinh doanh có lợi nhuận thì phải có trách nhiệm với thành phố.
Nếu làm tốt, mỗi năm có thể thu về hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này có thể đầu tư các công trình bãi đỗ lắp ghép mà ngân sách không cần bỏ ra" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Theo ông Trần Chí Trung, Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư Sở GTVT TP HCM, hiện nhiều DN quan tâm đến kế hoạch xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép tại trung tâm thành phố.
"Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua là cơ hội để TP HCM triển khai bãi đỗ xe lắp ghép, vị trí xây dựng, cấp phép xây dựng sẽ thuận lợi hơn, nhiều nhà đầu tư quan tâm, công nghệ sẵn có thì việc triển khai các bãi đỗ xe cao tầng này hoàn toàn khả thi" - ông Trần Chí Trung cho biết.
Kinh nghiệm ở các nước
Tại Trung Quốc, hệ thống quản lý bãi đỗ xe không bắt kịp sự gia tăng số lượng ô tô, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông, tăng ô nhiễm không khí và giảm hiệu quả kinh tế. Việc tìm thêm không gian tại các thành phố vốn đã đông đúc để xây dựng bãi đỗ xe là một thách thức tốn kém.
Thống kê cho thấy các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu, mỗi nơi đang thiếu chỗ đỗ xe cho 1,5 - 2 triệu xe. Mỗi năm có thêm hơn 20 triệu ô tô tham gia giao thông cùng với 401,7 triệu xe hiện có. Do đó, cư dân có ô tô phải tranh nhau để có chỗ đỗ xe cố định.
Theo tờ China Daily, một chỗ đỗ xe ở tầng hầm được bán với giá hơn 500.000 nhân dân tệ (72.531 USD) ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, số tiền này đủ để mua một căn hộ ở các thành phố nhỏ. Những người không có chỗ đỗ xe phải để xe trên những con đường gần đó nếu tìm được chỗ và phí đỗ xe lên đến 1,5 - 2 nhân dân tệ cho 10 phút.
Chính quyền địa phương nỗ lực phát triển các không gian có sẵn thành bãi đỗ xe và các cơ sở đỗ xe cao tầng đã được xây dựng trong nhiều khu dân cư nhờ trợ cấp của chính phủ.
Những lo ngại về khí thải carbon, bảo vệ môi trường, tắc đường và thiếu chỗ đỗ xe đã khiến chính quyền nhiều địa phương thực hiện các biện pháp hạn chế như bốc thăm hoặc đấu giá biển số xe để hạn chế lượng phương tiện.
Ví dụ, Bắc Kinh chỉ cấp 100.000 biển số xe mỗi năm, trong khi 2,7 triệu người có bằng lái xe nằm trong danh sách chờ. Ngoài ra, các nhà chức trách đang cố giảm ùn tắc giao thông bằng cách mở rộng thêm khoảng 100.000 km đường bộ và đường cao tốc trong mạng lưới đường bộ mỗi năm. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn trong việc tăng số lượng bãi đỗ xe.
Tương tự Trung Quốc, giao thông đô thị của Malaysia đang phát triển nhanh chóng và vấn đề đỗ xe ở thủ đô Kuala Lumpur khiến chính quyền đau đầu. Kết quả từ nghiên cứu do Uber Malaysia thực hiện cho thấy chủ sở hữu ô tô ở Kuala Lumpur dành 152 giờ/năm để tìm kiếm một chỗ đỗ xe.
Trong bối cảnh thiếu diện tích xây dựng bãi đỗ xe, chính quyền Malaysia tận dụng lề đường làm chỗ đỗ xe có thu phí. Nhằm tăng tính hiệu quả trong quản lý đỗ xe bên lề đường, chính quyền ứng dụng hệ thống thanh toán kỹ thuật số an toàn giúp thanh toán dễ dàng, nhắc nhở người dùng biết trước 15 phút khi hết thời gian đỗ xe, đồng thời cho phép người dùng tăng thời gian đỗ xe trên điện thoại.
Theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh với 30% diện tích thành phố sẽ là mảng xanh, Kuala Lumpur sẽ không còn bãi đỗ xe mở nào trong 20 năm nữa. Trong nỗ lực hiện thực hóa điều đó, chính quyền sẽ áp dụng phí đỗ xe cao nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
Trong khi đó, Singapore có hơn 12.000 bãi đỗ xe, cung cấp khoảng 1,4 triệu chỗ, hầu hết là ở các khu nhà công cộng, khu dân cư tư nhân, bãi đỗ xe công cộng, trung tâm mua sắm lớn, tòa nhà văn phòng và tòa nhà thương mại. Chứng kiến sự gia tăng số lượng ô tô, chính quyền Singapore phải xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng và tận dụng cả lề đường để đỗ xe có thu phí.
Đối mặt với vấn đề thiếu bãi đỗ xe nghiêm trọng, chính phủ các nước khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những khoản đầu tư khổng lồ được dùng để phát triển tàu điện ngầm và cải thiện giao thông trên mặt đất ở các thành phố lớn trong những thập kỷ qua.
Để giải quyết thách thức về chỗ đỗ xe, các thành phố cải thiện việc quản lý bãi đỗ xe hiện có bằng cách cưỡng chế bãi đỗ xe bất hợp pháp, tạo ra các khu vực đỗ xe khác nhau, áp dụng công nghệ mới và điều chỉnh giá đỗ xe.
X.Mai
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Bình luận (0)