Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 23-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Chương trình được Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tường thuật trực tiếp và Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại nld.com.vn.
Tránh chủ quan khi chọn
Chương trình có sự tham gia của khoảng 100 giáo viên và 1.500 học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Tiên Phước. Tại đây, các em được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thông tin về kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) 2024 cũng như được tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh của các trường ĐH.
Về kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 16.203 học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt 97,98%. Tỉ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên ở mức khoảng 37%, tỉ lệ thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội khoảng 63%. Với 5 tổ hợp xét tuyển phổ biến là (A00, A01, B00, C00 và D01) thì A00 cao hơn và A01, B00 có điểm thi trội hơn các tổ hợp còn lại.
Không chỉ xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh cũng có thể xét tuyển theo các phương thức khác như xét tuyển học bạ; xét kết quả đánh giá năng lực...
Theo TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, mỗi học sinh có năng lực học tập khác nhau, có những thế mạnh riêng nên khi đăng ký xét tuyển các em cần sử dụng nhiều phương thức để miễn sao trúng tuyển vào ngành, trường mình mong muốn, tránh trường hợp chủ quan chỉ chọn 1 hoặc 2 phương thức xét tuyển...
Lợi thế thuộc lĩnh vực dịch vụ
Cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang dịch chuyển theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, gồm cơ khí (trọng tâm là công nghiệp cơ khí ôtô), điện, điện tử, xây dựng, giao thông vận tải... và dịch vụ: thương mại, tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông, dịch vụ vận tải hàng hóa...; giảm tỉ trọng phát triển lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp... Đây là lợi thế cho thí sinh chọn các ngành học thuộc lĩnh vực dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội là đầu tư, phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển".
Hai vùng bao gồm vùng Đông và vùng Tây. Trong đó, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển; là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo như kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Vùng Tây gồm các huyện miền núi, là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.
Theo các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh, học sinh khối 12 khi chọn nghề, chọn ngành, chọn trường trước tiên cần tận dụng lợi thế của địa phương cũng như khu vực miền Trung. Việc chọn ngành, nghề cần dựa trên sự yêu thích, phù hợp với ngành nghề cũng như xem xét sức học, khả năng chi trả học phí trong toàn khóa học để chọn trường phù hợp.
Danh sách thành viên ban tư vấn
Ban Tư vấn của chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2024 tổ chức tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng sẽ gồm các chuyên gia:
ThS Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; TS Nguyễn Đức Quận, Phó Ban Đào tạo - ĐH Đà Nẵng; TS Phạm Nguyễn Hồng Ngự, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam; ThS Vũ Đình Lê, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Luật TP HCM; TS Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kinh tế Tài chính - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM; ThS Đỗ Quang Vinh, Phó Ban Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Công Thương TP HCM; ThS Nguyễn Thới, Phó trưởng Khoa Đào tạo quốc tế - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; thầy Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến; ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ThS Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Đông Á.
Bình luận (0)