icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tận dụng lợi thế, trồng cây làm giàu

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Chỉ nhờ trồng cây dược liệu mà hàng ngàn hộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông đã thoát nghèo, thậm chí có người thành tỉ phú

Từ năm 2005, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum được thành lập với vô vàn khó khăn. Đây được xem là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum; thậm chí, nhiều người còn gọi Tu Mơ Rông thành "Tù Mở Rộng" để nói lên sự khó khăn, vất vả của địa phương này. Giờ đây, tất cả đã đổi thay từ khi người dân nơi này bắt tay trồng cây dược liệu.

Vùng đất của dược liệu

Trung tâm huyện Tu Mơ Rông nằm cách trung tâm tỉnh Kon Tum khoảng 90 km với đường đi ngoằn ngoèo, trắc trở. Huyện này có 2 vùng khí hậu khác biệt. Trong đó, vùng Đông Bắc huyện nằm dưới chân dãy núi Ngọc Linh có nhiệt độ trung bình năm chỉ từ 18 - 23 độ C. Nơi đây có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, lượng mưa trung bình hằng năm lớn.

Từ năm 2008, nhận thấy vùng đất này có địa hình phức tạp, chia cắt nhưng bù lại có diện tích rừng rộng lớn, khí hậu mát mẻ quanh năm, lượng mưa hằng năm lớn thích hợp trồng các loài cây dược liệu nên chính quyền địa phương đã vận động, hướng dẫn người dân trồng cây dược liệu như: sâm Ngọc Linh, sâm dây (hồng đẳng sâm), sơn tra, lan kim tuyến…

Ông A Đe - Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông - kể trước năm 2008, người dân đã đào được sâm dây trên rừng mang về nhà trồng nhưng quy mô nhỏ lẻ. Sau đó, chính quyền địa phương mới vận động người dân trồng; từ đó diện tích các loài cây dược liệu cả xã mới tăng lên nhanh chóng. "Đến nay, 90% dân số của xã trồng cây dược liệu như sâm dây, sơn tra, sâm Ngọc Linh… với tổng diện tích khoảng 215 ha. Nhờ vậy, người dân trong vùng đã thoát nghèo, có của ăn, của để" - ông Đe cho hay.

Theo ông Dương Thái Khoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, chính quyền địa phương xác định cây dược liệu là cây trồng "3 trong 1": chủ lực, giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Đến nay, trên địa bàn huyện, các loài cây dược liệu được trồng nhiều nhất là sâm dây, sơn tra, sâm Ngọc Linh… Ngoài ra, người dân cũng vào rừng tận thu nhiều loại dược liệu khác như ngọc cẩu, nấm linh chi, mật ong…

"11 xã trên địa bàn huyện đều có thể trồng cây dược liệu. Đến nay, diện tích cây dược liệu đã phát triển được là 2.937 ha. Trong đó nhiều nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây và một số loài cây dược liệu khác. Huyện cũng đã có 19/30 sản phẩm OCOP liên quan đến các loài cây dược liệu" - ông Khoa phấn khởi.

Sâm dây sau thu hoạch của người dân Tu Mơ Rông

Sâm dây sau thu hoạch của người dân Tu Mơ Rông

Nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà nhiều người dân Tu Mơ Rông làm giàu

Nhờ trồng sâm Ngọc Linh mà nhiều người dân Tu Mơ Rông làm giàu

Cây giảm nghèo, làm giàu

Nhờ trồng cây dược liệu mà đời sống người dân huyện Tu Mơ Rông đã thay đổi rõ rệt. Trước đây tỉ lệ hộ nghèo cao nhưng nay nhiều hộ đã thoát nghèo. Giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo. Trong số đó, 70% hộ thoát nghèo là nhờ trồng cây dược liệu. Thậm chí, nhiều người đã trở thành tỉ phú với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Gia đình anh A Khoa (30 tuổi; thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) cũng vậy - thường xuyên thiếu ăn dai dẳng nhiều năm, thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhưng rồi được chính quyền xã vận động, từ năm 2010, anh Khoa đã bán bò, vay mượn thêm tiền để trồng 2 sào sâm dây. Sau nhiều năm canh tác sâm dây, đến nay gia đình anh Khoa đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

"Lúc được xã vận động trồng sâm dây, tôi lo lắm, không biết cây này có giá trị không. Nhưng qua mấy năm trồng thì thấy cây phát triển rất tốt, giá bán cao hơn hẳn so với cây mì trước đây. Mỗi năm, nhờ 2 sào sâm dây mà tôi thu được chừng 50 triệu đồng" - anh Khoa vui vẻ nói và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Còn gia đình anh A Ly (thôn Ngọc La, xã Măng Ri) đang trồng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, 3 ha sâm dây. Những năm trước, anh tập trung mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh vì chỉ bán sâm dây thì gia đình đã dư sức trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học. Năm 2022, chỉ tính tiền bán hạt, lá và củ sâm Ngọc Linh, sâm dây…, gia đình anh đã thu về hơn 1 tỉ đồng.

"Ban đầu, tôi đã phải bán hết tài sản trong nhà để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Tiền đi làm thuê tôi cũng đầu tư vào cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, tôi thấy việc đầu tư vào loài cây này là đúng đắn. Nhờ đó, gia đình tôi đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với cách đây vài năm" - anh A Ly phấn khởi.

Ông Dương Đình Chung, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho hay ở xã này, còn nhiều người có thu nhập như anh A Ly. Họ cũng nhờ trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây mà có được thành quả như vậy. Ông A Đe cũng cho biết trong xã của ông có hàng chục hộ thu tiền tỉ mỗi năm nhờ trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây. 

Nhiều "Nông dân tiêu biểu"

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết các xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây là những địa phương trồng nhiều loài cây dược liệu nhất trong huyện. Nhờ trồng cây dược liệu, năm 2022 có 67 hộ dân được xếp vào diện Nông dân tiêu biểu khi mỗi năm có doanh thu từ 500 triệu đến hàng chục tỉ đồng. Những người có thu nhập cao nhất là những người tiên phong trồng sâm Ngọc Linh và sâm dây như hộ A Sỹ, A Tôn, Y Hlạng. Còn lại là những thế hệ đi sau, trẻ hơn.

"Họ đều là những người biết vượt qua khó khăn, khai thác được thế mạnh và giá trị của các loài cây dược liệu. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, họ cũng đã giúp đỡ, hướng dẫn những người khác trồng cây dược liệu, vươn lên làm giàu" - ông Mạnh nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo