Chắc là các mưu sĩ và huấn luyện viên bóng đá cũng biết. Chỉ có điều diễn tiến trên sân cỏ không luôn luôn lô-gích và bóng đá là trò chơi mang tính may rủi rất cao.
Vì tính may rủi này nên bóng đá có sức hấp dẫn gần như cờ bạc. Dân chúng sống trong những xã hội chưa phát triển ổn định, cơ hội vươn lên chủ yếu nhờ may mắn và vận rủi ẩn núp trong mọi ngóc ngách, họ khoái bóng đá như trò cá độ.
Những tay cá độ lớn là những tay tổ chuyên nghiên cứu thực lực và đấu pháp của các đội bóng. Các mưu sĩ và huấn luyện viên đương nhiên cũng phải tìm hiểu các đối thủ của mình. Còn chiến lược chiến thuật của đội mình thì phải giữ kín như bí mật quốc gia. Thậm chí còn cố tình đánh lạc hướng địch bằng cách tung hỏa mù rằng cầu thủ siêu sao X bị thương có thể không thi đấu mà được thay bằng cầu thủ Y, nhưng cuối cùng siêu sao X vẫn dẫn đầu cả đội bước ra sân đấu.
Dĩ nhiên phải biết người biết ta nhưng “biết” tới mức nào có thể tăng giảm tính may rủi, mà khi trái bóng bay vi vút trong không khí thì chỉ 1 cm khác biệt là đủ quyết định thành hay bại. Trừ đội CHDCND Triều Tiên, hầu hết các đội bóng khác tham dự World Cup đều “biết” nhau, các cầu thủ từng ở chung CLB, từng gặp nhau trên nhiều sân khác nhau, và huấn luyện viên thì có ngần ấy tên tuổi cứ luân phiên “luyện” hết đội này đến đội khác, không lạ gì giò cẳng các cầu thủ.
Thí dụ đội Anh và đội Mỹ chắc chắn biết nhau. Phần đội Mỹ, biết ta không có nhiều thiên tài bóng đá như đối phương, biết đối phương dày dạn kinh nghiệm trường đấu hơn mình, cho nên “giữ cho đừng thua” là kể như thắng. Phần đội Anh, biết ta ngon lành, các đội khác đều gờm, còn đối phương chỉ là đội “kèo dưới”, cho nên không thắng kể như thua.
Trường hợp CHDCND Triều Tiên, sau mấy chục năm (từ lần tham dự World Cup 1966) tuyệt tích giang hồ, nay tái xuất đột ngột, khiến cho đối phương không biết ta, mà ta cũng không biết đối phương, vào trận thua đậm, không đến nỗi khó tiên liệu.
Bình luận (0)