Phố vắng như mọi khi, chứ không phải vì bữa nay mọi người ở nhà coi trận chung kết World Cup. Con số dự đoán mười mấy triệu khán giả Mỹ coi truyền hình trực tiếp trận bóng đá này được phân tích là tập trung ở những thành phố đông dân nói tiếng Tây Ban Nha và người nước ngoài hay dân nhập cư từ châu Á, như Miami, San Diego, San Francisco. New York cũng thuộc vào hàng những thành phố Mỹ sôi động trong mùa World Cup này vì có khoảng 2 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, và như thủ đô Washington, New York cũng có đông đảo dân cư quốc tế. Những người “điên vì bóng đá” là những người không-phải-Mỹ, như nhận định của ông hàng xóm tôi. Ông ta bảo bóng đá là môn thể thao không-phải-Mỹ, 4 năm rộ lên một phát, như bầu cử tổng thống, dù ai thắng thì rồi cũng đâu vào đấy, dân chúng cứ lo công việc của mình thì hơn.
Và tôi đi lang thang trong phố vắng như người khách lạ, ngẫm nghĩ lời ông hàng xóm. Thực ra ổng rất tử tế và ý tứ khi nói tới chủng tộc và đa văn hóa. Nhưng ổng cũng tự nhận ổng “toàn Mỹ”- all American. Mời ông ấy ăn chả giò, ổng khoái lắm nhưng món ăn chắc bụng mỗi ngày của ổng là khoai tây, thịt bò. Thỉnh thoảng, tôi lôi ông ta vô mấy bài tản mạn World Cup cho vui, chứ tôi cũng hiểu trong mắt ông ấy, tôi không-phải-Mỹ, như bóng đá, như chả giò.
Buồn vui lẫn lộn trong lòng bây giờ là: Chỉ còn phải viết bài tản mạn cuối cùng này nữa thôi là hết bị tòa soạn giục bài, là hết dịp kể chuyện cãi nhau với chồng và ghẹo ông hàng xóm và rồi chẳng còn ai bận tâm đến buồn vui của tôi nơi đất khách quê người nữa. A, World Cup, cám ơn trò chơi lớn, cám ơn em tôi ở Chợ Lớn thường xuyên trò chuyện và cung cấp thông tin, cám ơn những người đồng điệu ở quê nhà đã đọc những chuyện dông dài tôi “tản mạn” một tháng qua, cho tôi cảm giác gần gũi chị em bạn bè, cho tôi chút lãng mạn...
Bình luận (0)