Sáng 19-5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, Công đoàn.
Dự Tọa đàm có ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Dự Tọa đàm còn có các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn.
Tọa đàm là một trong các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024; là điểm nhấn thúc đẩy sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Đảng luôn quan tâm Xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành từ công nhân, công đoàn
Báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trong suốt chặng đường vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam rất vinh dự và tự hào đã giáo dục, rèn luyện và đóng góp cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú trưởng thành từ phong trào công nhân, Công đoàn.
Đặc biệt, ở Trung ương, từ khi thành lập Đảng đến nay, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là điểm xuất phát, môi trường hoạt động, phấn đấu và trưởng thành của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiêu biểu như các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thế Duyệt...
Ở các cấp địa phương, các ngành, nhiều công nhân, cán bộ Công đoàn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó những nhiệm vụ quan trọng ở địa phương, ngành.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, dù ở cương vị nào, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, Công đoàn cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gắn bó với nhân dân, trung thành với lợi ích của Đảng, của dân tộc, của giai cấp.
"Sự tham gia và khẳng định về năng lực, phẩm chất của các đồng chí cán bộ trong hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, Công đoàn đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta" - ông Nguyễn Đình Khang khẳng định.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành từ công nhân, Công đoàn luôn được Đảng ta quan tâm với nhiều chủ trương, định hướng đúng đắn, khoa học. Đặc biệt, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 20-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đặt mục tiêu "Tăng tỉ lệ đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân". Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 21-6-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới" đặt ra yêu cầu "Cơ cấu cấp ủy các cấp có tỷ lệ hợp lý người trưởng thành từ công nhân, Công đoàn…".
Việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn nên để cho tổ chức Công đoàn chủ động
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - đã dẫn nội dung của Nghị quyết số 20/NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Nghị quyết số 02/NQ/TW của Bộ Chính Trị, trong đó nhấn mạnh đến việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất và nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân.
Trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn nên để cho tổ chức Công đoàn chủ động thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng. Ông Đặng Ngọc Tùng cũng đề nghị với Đảng, mà cụ thể là Ban Tổ chức Trung ương Đảng nên tính toán giao biên chế cho tổ chức Công đoàn trên cơ sở số lượng đoàn viên mà tổ chức này phát triển và có được, cụ thể nên giao như sau: Cứ có 1.300 đoàn viên đến 1.500 đoàn viên thì có 1 biên chế công đoàn, cả nước có bao nhiêu đoàn viên thì tổ chức công đoàn có tổng số biên chế tương ứng và giao cho tổ chức Công đoàn Việt Nam có toàn quyền tuyển dụng, đào tạo, qui hoạch và phân bổ biên chế về các địa phương, các ngành sau khi bàn bạc và thống nhất với Đảng bộ địa phương và ngành…
Theo PGS-TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Đảng đã đặt ra yêu cầu đối với cán bộ công đoàn cần có, đó là: "Chuyên nghiệp, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm". Đó là người có kiến thức về chuyên môn, nắm vững lý luận và nghiệp vụ công đoàn; nhiệt tình, tâm huyết với phong trào; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao; luôn kiên định với mục tiêu của tổ chức công đoàn.
Cùng với đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, đấu tranh vì lợi ích của tập thể, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Có kiến thức về công nghệ, bám sát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, sử dụng mạng xã hội thông minh để chọn lọc và kịp thời chia sẻ thông tin đến với công chúng là cán bộ, đoàn viên, người lao động, góp phần đưa hình ảnh của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân viên chức lao động đến gần hơn với người lao động.
Bình luận (0)