Đang bước vào đợt cao điểm mua sắm cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN), chuỗi cung ứng bán lẻ đã tăng tốc sản xuất, dự trữ và cung ứng hàng ra thị trường. Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng được tổ chức đa dạng, sôi động hơn.
Làm mới khâu quảng bá, bán hàng
Đã hết 5 ngày sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP HCM 2023 - Khám phá, trải nghiệm và mua sắm tại chợ di sản Bến Thành" (từ ngày 11 đến 15-12) nhưng nhiều tiểu thương chợ Bến Thành vẫn lâng lâng cảm giác "bùng nổ" đơn hàng từ những phiên livestream trước đó.
Trong thời gian 5 ngày, 77 phiên livestream đã được các hot TikToker, KOL (người nổi tiếng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) thực hiện, giúp tiểu thương tại ngôi chợ mang tính biểu tượng của TP HCM bán được 18.200 đơn hàng, tiếp cận 81,6 triệu lượt người, mang về doanh thu 4,2 tỉ đồng.
Một số tiểu thương với kỹ năng giao tiếp, bán hàng truyền thống, sự am hiểu sâu về sản phẩm và đã có kinh nghiệm bán hàng qua Facebook, Zalo, nay thấy được hiệu quả của việc livestream bán hàng đã hào hứng tham gia tập huấn, chuẩn bị triển khai phương thức bán hàng mới này.
Từ hiệu ứng xã hội và hiệu quả bán hàng của chương trình ở chợ Bến Thành, tiểu thương các chợ truyền thống khác trên địa bàn TP HCM mong mỏi chương trình được nhân rộng để vừa có thể khuấy động không khí, quảng bá thương hiệu vừa tạo làn sóng kích cầu cho hàng hóa ở chợ trong những tuần lễ cuối năm.
Cũng nhằm mục đích kích thích tiêu dùng, thu hút du khách và kích cầu du lịch cuối năm, khoảng 60 DN/đơn vị đã tham gia chương trình khuyến mãi hàng hiệu "Flash Sale Holiday" đợt 2 - 2023 tại Trung tâm Thương mại Union Square (đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM).
Tại đây, trong 3 ngày 15, 16 và 17-12, gần 170 gian hàng đã bán giảm giá 400 nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, mức giảm giá 50% - 70%, cá biệt một số sản phẩm giảm giá đến 90%. Nhiều tín đồ hàng hiệu tại TP HCM và cả nước đã tìm được những món hàng ưng ý với giá rất "hạt dẻ" tại sự kiện này.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đây là chương trình do Sở Công Thương TP HCM phối hợp với UBND quận 1 tổ chức, nằm trong chuỗi Chương trình khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" năm 2023.
Bên cạnh những chương trình khuyến mãi quy mô lớn, tập trung, ngành công thương TP HCM còn phối hợp các DN sản xuất - kinh doanh, phân phối triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy kích cầu tiêu dùng cuối năm. Qua đó, sức mua nội địa tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, phương tiện vận tải.
Trên quy mô cả nước, Bộ Công Thương cũng đã phát động chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023, kéo dài từ ngày 4-12-2023 đến 10-1-2024. Theo đó, tất cả DN thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đều được thực hiện khuyến mãi với mức giảm giá lên đến 100%. Bộ Công Thương đặc mục tiêu sẽ có 100.000 chương trình khuyến mãi được thực hiện trong chương trình này.
Bảo đảm khâu sản xuất, cung ứng
Dịp cuối năm và Tết cổ truyền là cao điểm sản xuất - kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN ngành thực phẩm và đồ uống. Dự báo sức mua thị trường sẽ tăng ít nhất 9% - 10% trong dịp Tết này (tùy ngành hàng), các DN đã mạnh dạn dự trữ và chuẩn bị lượng hàng Tết tăng so với Tết trước. Trong đó, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chuẩn bị hơn 1.100 tấn thịt heo tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 3.800 tấn thực phẩm chế biến.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết nguồn hàng này bảo đảm cho DN bán Tết với giá bình ổn. Vissan đồng thời dự trữ thêm khoảng 20% tổng lượng hàng Tết, sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong trường hợp xảy ra biến động. Công ty cũng đã đầu tư cải tiến sản phẩm nhằm mang lại sự mới lạ, tiện lợi hơn cho khách hàng.
Dù sức mua vẫn còn chậm so với kỳ vọng nhưng theo các DN, những tín hiệu tích cực của thị trường trong những tháng gần đây đã tạo động lực cho DN nỗ lực sản xuất, tham gia kích cầu thị trường cuối năm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho hay các DN ngành lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị kế hoạch Tết từ sớm, chủ động dự trữ nguyên liệu sản xuất, tổ chức tăng ca và phối hợp với các nhà bán lẻ để đưa hàng ra thị trường nhanh, nhiều nhất có thể.
"Trong lúc kinh tế còn khó khăn, nhiều hộ gia đình bị giảm thu nhập, các DN không chỉ cam kết giữ giá, tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu mà còn phối hợp khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng" - bà Chi chia sẻ.
Ở quy mô tổng thể, 45 DN tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM đã cam kết dành 22.000 tỉ đồng để tăng tỉ lệ hàng dự trữ chuẩn bị cho cung ứng dịp Tết. Không dừng lại ở đó, các DN sản xuất/cung cấp và phân phối còn bắt tay nhau thực hiện các chương trình giữ giá, giảm giá, khóa giá, trợ giá... kéo dài từ nay đến Tết.
Riêng tuần lễ sát Tết, các DN dành thêm ưu đãi và sẽ giảm giá sâu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu đặc trưng Tết, tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp sắm sửa đón Tết.
Đơn cử, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) sẽ ưu tiên hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp mua hàng giảm giá, tổ chức siêu thị 0 đồng và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất bán với giá vốn. Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn tổ chức khoảng 60 chuyến xe miễn phí giúp người lao động về quê đón Tết.
TP HCM kỳ vọng chương trình kích cầu tiêu dùng của các cơ quan chức năng và DN tổ chức sẽ phát huy hiệu quả tốt, giúp sức mua dịp cận Tết duy trì ở mức tương đương năm trước hoặc tăng nhẹ. "11 tháng đầu năm, các chương trình kích cầu của thành phố đã có hiệu quả nhất định đến sức mua của người dân, góp phần hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, tăng năng suất sản xuất.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tại TP HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; trong đó lương thực, thực phẩm có mức tăng từ 10% - 18%" - ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.
Mở rộng đầu ra cho hàng OCOP
Năm 2023, TP HCM còn ký hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước. Từ chương trình hợp tác này, TP HCM hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm đồng thời bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thành phố; đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, nhất là các dịp lễ, Tết.
Qua hoạt động liên kết, đã có hàng ngàn đặc sản của các tỉnh, thành, sản phẩm OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") được bán đến tận tay người tiêu dùng TP HCM. "Hồi tháng 10-2023, TP HCM đã phối hợp với 38 tỉnh, thành tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP năm 2023.
Tại sự kiện này, hơn 1.000 mặt hàng đặc sản từ Bắc vô Nam đã được giới thiệu đến người tiêu dùng, đơn vị tiêu thụ, bán lẻ ở TP HCM. Trong vài ngày tới, thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu. Sự kiện sẽ tập trung các DN, cơ sở sản xuất... trên cả nước về TP HCM giới thiệu đặc sản Tết đến thị trường TP HCM" - đại diện Sở Công Thương TP HCM thông tin.
Nhiều thương hiệu thiếu mặt bằng kinh doanh
Nhu cầu tìm kiếm mặt bằng để mở rộng kinh doanh của các thương hiệu tại Việt Nam là rất lớn. Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn (đang sở hữu 108 thương hiệu cao - trung cấp) tiết lộ theo chiến lược phát triển trong các năm tới, IPPG sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác để đưa thêm nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều thương hiệu của tập đoàn hiện chưa có mặt bằng để mở rộng kinh doanh.
Trong văn bản vừa gửi UBND TP HCM, IPPG cho biết đã làm việc với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) để trao đổi về đề xuất hợp tác kinh doanh tại tòa nhà Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1). Nếu việc hợp tác kinh doanh tại tòa nhà này được thông qua, IPPG sẽ triển khai cửa hàng miễn thuế dưới phố, biến khu vực trung tâm TP HCM trở nên sầm uất hơn, nâng tầm tòa nhà Parkson Saigon Tourist Plaza, bảo đảm lợi ích kinh tế cho cả đôi bên. T.Phương
Bình luận (0)