Đến hôm nay (16-2), UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vẫn chưa gửi báo cáo kết quả xác minh, xử lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép tại xã Ia Drang để Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Tang vật trong vụ việc này đã "biến mất" khỏi hiện trường.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết thông tin việc khai thác đá trái phép tại thôn Hợp Thắng, xã Ia Drang, huyện Chư Prông.
Sở TN-MT đã có 3 văn bản đề nghị UBND huyện Chư Prông chỉ đạo UBND xã Ia Drang và các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra, xác minh nội dung các bài viết. Trong văn bản ngày 2-2, Sở TN-MT đề nghị UBND phải báo cáo trước ngày 7-2, để Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Gia Lai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5-1, ông Trịnh Quốc Thanh ký văn bản số 01/TB – UBND nêu rõ hộ ông Phạm Văn Thủy trong quá trình múc ao đã phát hiện đá và đưa lên trên khoảng 300 cục đá Bazan, đường kính trên 0,5-1m (ước tính từ 150-170m3). UBND xã Ia Drang đã đề nghị dừng việc múc ao, cấm vận chuyển đá ra khỏi vị trí.
Ban Công an xã Ia Drang phối hợp với Ban lãnh đạo thôn Hợp Thắng thường xuyên theo dõi, giám sát và quản lý số lượng đá trên trong thời gian kiểm tra, xác minh và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Đến ngày 15-1, ông Trịnh Quốc Thanh ký báo cáo "Kiểm tra, xác minh xử lý vi phạm đối với việc khai thác khoáng sản trên đại bàn xã". Theo đó, hộ ông Phạm Văn Thủy múc ao mục đích lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của gia đình, trong quá trình múc ao phát hiện dưới lòng ao có đá và đã đưa số lượng đá lên mặt ao, dự tính sau khi múc ao xong sẽ lấp lại mặt bằng hiện trạng ban đầu (?).
Khi múc ao, hộ ông Thủy có làm đơn xin đào ao, UBND xã đã cử người kiểm tra và thấy thửa đất của ông Thủy không đủ điều kiện để cải tạo đất nông nghiệp và đã có văn bản yêu cầu tạm dừng múc ao.
Một ngày sau, ông Trịnh Quốc Thanh tiếp tục ký thông báo "Yêu cầu san lấp trả lại mặt bằng nguyên trạng như ban đầu".
Trong văn bản này, UBND xã Ia Drang yêu cầu hộ ông Phạm Văn Thủy và hộ ông Nguyễn Trọng Hòa trả lại nguyên trạng ban đầu chưa cải tạo, các hộ không được tự tiện khai thác khi chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Theo ông Phạm Văn Thủy, việc khai thác đã diễn ra trong khoảng 2 tháng
Tang vật "biến mất"
Trước đó, Báo Người Lao Động có nhiều bài viết phản ánh từ hơn 2 tháng nay, diện tích đất vườn của ông Phạm Văn Thủy (thôn Hợp Thắng, xã Ia Drang, huyện Chư Prông) trở thành "công trường đá chẻ". UBND xã Ia Drang, huyện Chư Prông đã có văn bản xác định có khoảng 1.600 m2 đất đã được múc; khoảng 300 cục đá Bazan, đường kính từ 0,5 đến 1 m, ước tổng cộng khoảng 150 – 170 m3 đá tại vườn nhà ông Thủy bị khai thác trái phép. Số đá trên đã giao cho Ban Công an xã và Ban lãnh đạo thôn Hợp Thắng cùng phối hợp theo dõi, giám sát và quản lý.
Đến ngày 31-1, điều ngạc nhiên là hầu hết số đá tang vật trong vụ việc trên đã "biến mất" khỏi hiện trường. Ông Lê Tấn Hiếu, Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông nói đã cho "lấp hết lại".
Tuy vậy, ghi nhận thực tế và người nhà ông Phạm Văn Thủy cho biết sau khi chính quyền địa phương lập biên bản, yêu cầu dừng việc múc ao thì số đá khai thác lên đã được một người đàn ông tên T.P cho người chở đi nơi khác. Chỉ một số ít cục đá được đẩy xuống hố, vùi đất lấp lại.
Bình luận (0)