Ngày 31-1, tang vật là hàng trăm mét khối đá khai thác đá phép tại địa bàn thôn Hợp Thắng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã không còn ở hiện trường.
Trước đó, Báo Người Lao Động có bài viết phản ánh từ hơn 2 tháng nay, diện tích đất vườn của ông Phạm Văn Thủy (thôn Hợp Thắng) trở thành "công trường đá chẻ". Hàng ngàn mét vuông đất của khu vườn đã bị phương tiện cơ giới đào bới nham nhở để khai thác đá.
"Công trường" khai thác đá lậu thời gian trước và hiện tại
Những khối đá (dạng đá mồ côi) sau khi lấy lên khỏi mặt đất được xếp thành đống. Tại hiện trường, nhiều dấu vết để lại cho thấy có hiện tượng chẻ đá làm vật liệu xây dựng như bạt che, điện chiếu sáng, vết khoan- cắt…
Theo lời ông Thủy, ông chỉ đào ao lấy nước tưới. Trong quá trình cải tạo ao thì gặp phải đá lớn. Sau đó, một người đàn ông tên thường gọi là T.P đến đặt vấn đề khai thác số đá này. Hằng ngày, cứ chiều tối là có người đến khai thác đá, đến giờ đi ngủ của người dân thì rời đi.
Theo ông Trịnh Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Drang, huyện Chư Prông đã ký văn bản xác định có khoảng 1.600 m2 đất đã được múc; khoảng 300 cục đá Bazan, đường kính từ 0,5 đến 1 m, ước tổng cộng khoảng 150 – 170 m3 đá tại vườn nhà ông Thủy bị khai thác trái phép.
Số đá trên đã giao cho Ban Công an xã và Ban lãnh đạo thôn Hợp Thắng cùng phối hợp theo dõi, giám sát và quản lý.
Ông Lê Tấn Hiếu, Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông, cho hay việc khai thác đá như trên là trái với quy định. Sau khi phát hiện vụ việc, Phòng TN-MT huyện đã đề nghị xã Ia Drang kiểm tra, xác định khối lượng rồi làm quy trình xử lý.
Đến ngày 31-1, điều ngạc nhiên là hầu hết số đá tang vật trong vụ việc trên đã "biến mất" khỏi hiện trường. Người nhà ông Phạm Văn Thủy cho biết sau khi chính quyền địa phương lập biên bản, yêu cầu dừng việc múc ao thì số đá đã được thai thác lên đã được ông T.P cho người chở đi nơi khác. Chỉ một số ít cục đá thì được đẩy xuống hố, vùi đất lấp lại.
Về việc đá tang vật "biến mất" khỏi hiện trường, qua điện thoại, ông Lê Tấn Hiếu, Trưởng phòng TN-MT huyện Chư Prông, chỉ nói gọn lỏn "đã cho xã lấp hết lại rồi" rồi cúp máy.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau khi số đá tang vật được giao cho UBND xã quản lý, trong đêm vẫn có người tới để chẻ đá rồi vận chuyển ngay đi nơi khác.
Tang vật "biến mất", không liên lạc được chính quyền địa phương
Trong ngày 31-1, nhóm phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Trịnh Quốc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Drang, nhưng ông vắng mặt tại nhiệm sở, liên hệ qua điện thoại phóng viên không nhận được phản hồi. Bên cạnh đó, nhiều lần phóng viên liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Chư Prông để làm việc về nội dung trên nhưng không nhận được phản hồi.
Bình luận (0)