Vui vì thông thường kỳ nghỉ kéo dài từ khoảng 4-5 ngày trở lên sẽ thúc đẩy khách du lịch đi chơi nhiều hơn, lưu trú lâu và chi tiêu nhiều, lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi du khách có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn sẽ tăng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ du lịch ở các điểm đến.
Khi họ ở dài ngày hơn, tiêu dùng gia tăng sẽ kích thích sản xuất tại chỗ, huy động được các nguồn lực kinh tế khác để phục vụ cho du khách. Điểm đến nhộn nhịp hơn, doanh thu cao hơn và kinh tế cũng phát triển hơn. Có điều, muốn trở thành "kỳ nghỉ vàng" cho du lịch và nền kinh tế thì cần một chiến lược lâu dài, được công bố từ sớm - vào đầu năm - để du khách chủ động lên kế hoạch cho chuyến đi với chi phí phù hợp. Doanh nghiệp (DN) du lịch từ đó chủ động hơn trong xây dựng sản phẩm dịch vụ, tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Các điểm đến sẽ tính toán được công suất, sức chứa, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách…
Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 lần này cũng 5 ngày nhưng được chốt hơi muộn, có thể hơi lỡ nhịp đối với du khách, DN và cả ngành du lịch. Muốn không lỡ nhịp cho những kỳ nghỉ sau, với các DN, theo tôi cần chủ động dự báo trong năm có những dịp lễ nào và có thể được nghỉ bao nhiêu ngày để lên kế hoạch xây dựng sản phẩm phù hợp. Dự báo được rủi ro và cơ hội trong kinh doanh là chiến lược của DN.
Về mặt quản lý nhà nước, những kỳ nghỉ dài ngày hoàn toàn có thể quyết định ngay từ đầu năm và nên có cơ chế, lộ trình công bố trước, định hướng ngay từ ban đầu sẽ giúp cho những nguồn lực được phân bổ hợp lý. Du lịch là ngành khá nhạy cảm với các chuyển động của xã hội, đặc biệt là từ những quyết sách của nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, du lịch là ngành mũi nhọn nên khi tăng trưởng tích cực sẽ tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.
Năm 2024, theo các dự báo mới nhất của các tổ chức du lịch quốc tế và đơn vị tư vấn, du lịch thế giới có khả năng đạt được mức tăng trưởng như năm 2019 (trước COVID-19). Riêng châu Á - Thái Bình Dương - khu vực có nền kinh tế năng động nhất của thế giới - thì tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng du lịch của khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ vào khoảng 2% so với mốc đạt đỉnh năm 2019. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế này để tăng trưởng cả du lịch và kinh tế nói chung.
Trong kinh tế, có một yếu tố là "tác động ngoại lai mạng lưới", tức khách quốc tế đến càng đông thì giá trị mang lại cho nền kinh tế và vị thế của Việt Nam càng tăng lên. Thương hiệu Việt Nam cũng trở nên thân thiện với người tiêu dùng thế giới hơn.
Trở lại với câu chuyện hiện tại, lễ 30-4 năm nay có thể được chốt kỳ nghỉ dài hơi muộn, nhưng đặc tính của các DN du lịch là linh hoạt và năng động, thích ứng với bối cảnh rất tốt. Do đó, DN có thể xoay trở để tận dụng tốt nhất cơ hội từ nhu cầu tăng nhanh của du khách, góp phần vào đà phục hồi của ngành đang rất tốt thời gian qua.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)