Chiều 24-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh công tác cảnh vệ đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử. Do vậy, các lực lượng triển khai công tác này đã trưởng thành rất nhiều và bảo đảm an toàn khi thực hiện. "Công tác cảnh vệ được chúng tôi xác định là không có ai bảo vệ tốt bằng nhân dân" - Chủ tịch nước nói và cho rằng thực tiễn trên yêu cầu cần phải hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các nội dung của luật nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác cảnh vệ.
Theo Chủ tịch nước, trong công tác cảnh vệ, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho lãnh đạo, đối tượng được cảnh vệ là yêu cầu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, công tác này còn có ý nghĩa về lễ tân nhà nước, đó là nghi thức quốc gia. Công tác cảnh vệ không chỉ bảo vệ thông thường mà còn là thể hiện thể diện quốc gia, đáp ứng cho yêu cầu của đối ngoại. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng đón nhiều đoàn nguyên thủ nước ngoài, yêu cầu công tác cảnh vệ càng cao.
Chủ tịch nước nhấn mạnh nguyên tắc chung của các đoàn khách quốc tế là phải chấp hành theo quy định pháp luật của nước sở tại. Có những yêu cầu đặt ra các bên phải đàm phán. Việc bảo đảm công việc này rất khó khăn, nhất là khi các lãnh đạo rất muốn hòa nhập với quần chúng, tiếp xúc với nhân dân nhưng nếu xảy ra chuyện sẽ rất nguy hiểm. Trong điều kiện khó khăn như vậy, song theo đánh giá của Chủ tịch nước, công tác cảnh vệ đã đạt được hiệu quả cao trong thời gian qua. "Chúng ta cũng rất tự hào, mọi việc triển khai làm rất tốt, gần như là không có những sự cố" - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng lãnh đạo các nước đến Việt Nam tự do đi ăn uống, ra công viên rất an toàn. Vì vậy, các nước đánh giá rất cao lực lượng cảnh vệ của chúng ta. Việc cảm nhận được sự an toàn nên các nguyên thủ khi ở Việt Nam mới đi trải nghiệm. Nhờ đó đã góp phần giúp Việt Nam nâng cao được vị thế.
Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ tịch nước nhấn mạnh việc siết quy định về sử dụng dao từ 20 cm hoặc được hoán cải nhằm ngăn chặn tội phạm, xây dựng xã hội an toàn. Bởi phần lớn vụ việc về gây rối trật tự hoặc cố ý gây thương tích đều có hung khí là dao. Trong khi đó, pháp luật chưa có thiết chế quản lý chặt chẽ nên xử lý rất khó.
"Dao có vai trò quan trọng phục vụ đời sống dân sinh nhưng có trường hợp đi hàng chục người, xe nào cũng mang dao, mã tấu để trong cốp, có loại hàn để cán dài ra thì không thể nói là tôi đi phục vụ sản xuất được" - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Khẳng định luật sẽ chỉ điều chỉnh hành vi sử dụng dao không đúng mục đích, Chủ tịch nước Tô Lâm nói trách nhiệm của Bộ Công an là giải thích rõ để người dân hiểu, tuân thủ và xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm.
Hôm nay, 25-5, QH thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Bình luận (0)