So với nhiều tập đoàn may mặc thì PPJ Group (tiền thân là Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú) thành lập khá muộn (năm 2007). Khi ấy, PPJ chỉ có 28 nhân sự, bao gồm cả ban lãnh đạo. Tuy nhiên, bằng chiến lược đúng đắn cùng sự nỗ lực của từng cá nhân, đến nay sau 17 năm thành lập, PPJ Group đã vươn lên mạnh mẽ, sở hữu 30 nhà máy may, nhà máy giặt mài thời trang, trung tâm phát triển sản phẩm… trải dài 11 tỉnh, thành trên cả nước với hơn 17.000 lao động. Tập đoàn có văn phòng đại diện tại Hồng Kông (Trung Quốc), Mexico, Ai Cập và mở rộng hệ thống sản xuất - thương mại tại Mexico, Ai Cập và Guatemala.
Đột phá bằng công nghệ
Theo bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc PPJ Group, bởi "sinh sau đẻ muộn" nên ban lãnh đạo Tập đoàn PPJ xác định chỉ có tạo được sự khác biệt thì mới giúp công ty tạo được ưu thế cạnh tranh. Sự khác biệt đó thể hiện rõ ở triết lý kinh doanh "Lấy khách hàng làm trung tâm và xây dựng đội ngũ xuất sắc để trường tồn".
Để làm được điều đó, từ khi thành lập, PPJ đã liên tục mở rộng hệ thống nhà máy sản xuất, tạo ra chuỗi cung ứng may mặc với các dòng hàng denim và dệt thoi, dệt kim trọn gói, đồng thời quản lý chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu. Đặc biệt, năm 2017, Trung tâm Phát triển sản phẩm (PNC) TP HCM được thành lập, đưa PPJ Group tham gia mạnh mẽ và trọn vẹn vào chuỗi cung ứng, tại cả 3 khâu thiết kế - sản xuất - dịch vụ trọn gói theo phương thức ODM (Oriented Design Manufacturing).
PNC hội tụ hàng loạt công nghệ hiện đại như laser, ozone, robot… giúp doanh nghiệp (DN) thực hiện được chuỗi sản xuất khép kín hoàn toàn. PNC được vận hành bằng điện năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường. Tại đây, khách hàng được nhìn thấy cả quá trình sản xuất. Từ khi họ đưa ra ý tưởng, đội ngũ lao động của công ty sẽ thiết kế, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và được người mẫu của họ thử sản phẩm.
Ưu thế của việc ứng dụng công nghệ là giúp DN tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là những khâu khó hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất. Tiêu biểu như ở khâu phun PP đối với sản phẩm quần jeans, trước đây người lao động (NLĐ) thực hiện bằng tay nên mất nhiều thời gian mới hoàn thành một sản phẩm nhưng khi được tự động hóa với robot thì chỉ cần 90 giây là xử lý xong. Không chỉ tăng năng suất gấp nhiều lần, việc robot thao tác liên tục, chính xác còn cho ra sản phẩm với chất lượng tốt, đồng đều hơn.
PPJ cũng là DN sớm đầu tư phát triển công nghệ thực tế ảo 3D trong thiết kế sản phẩm. Bước đi sớm này đã giúp DN giải quyết khó khăn trong vấn đề thiết kế, trao đổi hoàn thiện sản phẩm với khách hàng, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát khiến việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế.
Với công nghệ này, khâu thiết kế tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mọi yêu cầu của khách hàng từ chất liệu, kiểu dáng… đều được giải quyết nhanh chóng, làm tăng độ hài lòng. Điều này góp phần giúp DN phát triển ổn định và giữ vững việc làm cho hơn 17.000 lao động, kể cả trong thời điểm dịch bệnh hoành hành.
Xây dựng đội ngũ lao động giỏi nghề
Xác định phát triển xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, DN đã sớm đầu tư công nghệ để tiết kiệm năng lượng, hóa chất và bảo đảm thân thiện với môi trường. Do vậy, khi các thị trường lớn như Liên minh châu Âu siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường bằng các tiêu chuẩn xanh, PPJ không hề bất ngờ.
"Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không gặp khó khăn. Thực tế, việc bảo đảm các yếu tố phát triển xanh khiến DN tăng chi phí rất lớn. Chi phí tăng thì lợi nhuận sẽ giảm, đó là bài toán nan giải mà các DN dệt may đang gặp" - bà Liên nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, giải pháp mà DN đưa ra là phải tìm cách tăng năng suất lao động, cải tiến máy móc. Đây cũng là cách giúp NLĐ tăng thu nhập. PPJ luôn tự hào khi có một đội ngũ lao động giỏi nghề, sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới. Công ty luôn tạo mọi điều kiện để NLĐ được tiếp cận công nghệ, phát huy sáng tạo trong việc cải tiến và sáng chế máy móc.
Nhiều tấm gương sáng tạo đã xuất hiện, như trường hợp anh Đinh Đăng Đoàn - Trưởng Bộ phận Bảo trì, Phòng Công nghệ giặt nhuộm. Từ năm 2012 vào làm việc tại PPJ, đến nay anh và các đồng nghiệp Phòng Công nghệ đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng như: Chế tạo hệ thống máy sấy treo tự động; chế tạo đèn kiểm hàng đặc dụng; cải tiến thiết bị máy bơm ozone… Trong đó, chỉ tính riêng sáng chế hệ thống máy sấy treo tự động, anh đã làm lợi cho DN 3,4 tỉ đồng/năm.
Trước đây, sử dụng một máy sấy Tolkal sẽ cho sản lượng 57 sản phẩm/giờ, trung bình 1 sản phẩm mất 50 phút sấy nóng và 20 phút sấy nguội, đồng thời phải mất thêm thời gian vắt khô sản phẩm, điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng. Để khắc phục tình trạng trên, anh Đoàn đã nảy ra ý tưởng chế tạo hệ thống băng chuyền sấy treo và tận dụng nguồn hơi nóng dư thải ra môi trường để sấy - vừa giúp tăng năng suất vừa bảo vệ môi trường.
Quá trình thử nghiệm và hoàn thành công trình này kéo dài 2 năm trời nhưng anh Đoàn và nhóm kỹ sư thuộc bộ phận bảo trì không nản lòng. Kết quả của sự kiên trì ấy là sau khi được đưa vào áp dụng, giàn sấy treo tự động đã giúp giảm chi phí hơi đến 62%, thời gian sấy trên máy Tolkal xuống còn 30 phút sấy nóng, 5 phút sấy nguội. Số lượng máy sấy cũng giảm một nửa so với trước, lượng xe chứa hàng giảm, giúp không gian sản xuất thông thoáng. Đến nay, sáng kiến đã được áp dụng trong một số nhà máy của PPJ.
Học hỏi không ngừng
Nói về những động lực để nghiên cứu và thực hiện nhiều cải tiến hiệu quả, anh Đoàn bày tỏ: "Ngành dệt may đang đi theo hướng phát triển xanh. Khách hàng không chỉ quan tâm đến số lượng, chất lượng của sản phẩm mà còn đánh giá các yếu tố về môi trường như lượng nước, lượng hơi, khí thải, chất thải... Là người có điều kiện tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên tôi muốn được tìm tòi, nghiên cứu thêm và chia sẻ với mọi người để có thể tìm ra những cách làm hay, hữu ích nhất".
Bình luận (0)