xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo lực "hút" doanh nghiệp công nghệ cao

MINH CHIẾN

Chính phủ đề xuất cơ chế hỗ trợ đầu tư để thu hút, giữ chân các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao

Trong bối cảnh vừa áp thuế tối thiểu toàn cầu - đối tượng bị tác động chính là các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia - vừa tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ đề xuất cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới hướng đến các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ cao thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hoàn thiện.

Nâng cao vị thế Việt Nam

Chính phủ đề xuất Quỹ Hỗ trợ đầu tư trực thuộc Bộ KH-ĐT, hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập. Quỹ này sử dụng ngân sách và các nguồn ngoài ngân sách (tài trợ, viện trợ, dư quỹ hằng năm...).

Với nguồn từ ngân sách, quỹ lấy từ số thu thuế thu nhập DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (khoảng 14.600 tỉ đồng tính tới cuối năm 2022) để chi hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng ưu tiên.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Quỹ Hỗ trợ đầu tư sẽ dành nguồn lực cho DN công nghệ cao (bán dẫn, AI...), đơn vị có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hoặc ứng dụng công nghệ cao; dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo đề xuất, điều kiện được hỗ trợ là DN có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt khác như đầu tư các trung tâm R&D có vốn tối thiểu 3.000 tỉ đồng. Đối với DN có dự án trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI, quy mô vốn đầu tư tối thiểu là 6.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu tối thiểu 10.000 tỉ đồng/năm. Bộ KH-ĐT cho biết đây là lĩnh vực đang cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt giữa các quốc gia và được xác định là lĩnh vực tập trung thu hút đầu tư của Việt Nam.

Đối với DN có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao cũng được ưu tiên nghiên cứu, phát triển. DN có dự án thiết kế vi mạch sẽ không áp dụng tiêu chí điều kiện về tổng vốn đầu tư cũng như doanh thu do các công nghệ khá đa dạng, mức độ thay đổi và cập nhật khá cao. "Việc áp dụng hỗ trợ đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện hành; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế dài hạn của chúng ta, đặc biệt trong các ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao đang là xu hướng mới trên thế giới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Nhân viên công nghệ làm việc tại khu Campus công nghệ cao của FPT Software (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh Hoàng Triều

Nhân viên công nghệ làm việc tại khu Campus công nghệ cao của FPT Software (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh Hoàng Triều

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

GS-TS Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đồng tình với việc có chính sách về thu hút, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, để tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

"Việc hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghệ cao cho thấy sự tập trung nguồn lực nhằm thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực ưu tiên, tránh ưu đãi dàn trải, tạo sự đột phá để bảo đảm vị thế cạnh tranh của Việt Nam, hạn chế tối đa tác động đến ngân sách nhà nước" - GS Cường góp ý.

Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các nguồn hỗ trợ cần tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. "Nguồn hỗ trợ từ quỹ cũng cần tập trung vào các vấn đề về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh vì đây đang là xu thế chung của toàn cầu" - TS Lê Đăng Doanh nói thêm.

Minh bạch tiêu chí ưu đãi, đối tượng hỗ trợ

Về đối tượng được hỗ trợ từ quỹ đầu tư, Chính phủ đang đề xuất chủ yếu là các DN đa quốc gia (thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu) trong lĩnh vực công nghệ cao, không bao gồm tất cả DN chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần cân nhắc kỹ các tiêu chí được hưởng ưu đãi để bảo đảm công bằng giữa các DN khi hoạt động tại Việt Nam. Khi chính sách được ban hành, cần bảo đảm minh bạch về mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ. Hiện Chính phủ đề xuất nhiều hình thức hỗ trợ với tỉ lệ khác nhau nên cần xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí, tránh phát sinh cơ chế xin - cho.

Từ các đề xuất của Chính phủ về điều kiện, tiêu chí để hưởng hỗ trợ đầu tư, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đề nghị làm rõ số DN hiện nay đáp ứng được các yêu cầu này, cũng như số tiền dự kiến sẽ hỗ trợ trong thời điểm hiện tại và thời gian tới. Bên cạnh đó, cần cân nhắc tỉ lệ hỗ trợ với các nguyên tắc, tiêu chí chặt chẽ để tránh rơi vào tình trạng tổng số tiền hỗ trợ quá cao, vượt khả năng đáp ứng của Quỹ Hỗ trợ đầu tư và không tương xứng với đóng góp thực tế của từng DN. "Thiết kế chính sách cần hài hòa các lợi ích giữa nhà nước và DN, giữa DN trong nước và nước ngoài" - ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh. 

Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỉ USD, bình quân 30 - 40 tỉ USD/năm; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD, bình quân 40 - 50 tỉ USD/năm.

Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 14-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sớm hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thế giới và hỗ trợ các DN trong nước.

Thủ tướng lưu ý xem phát triển nguồn nhân lực, thể chế và hạ tầng cho công nghiệp bán dẫn là chiến lược toàn diện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về quy trình, thủ tục hành chính đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực bán dẫn. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, hợp tác trong nước - quốc tế để khơi thông, tận dụng mọi nguồn lực cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo