Để trái phiếu DN phát triển lành mạnh trong năm 2024, cần nắn dòng đưa kênh huy động vốn này đi vào thực chất.
Phải thấy rằng trong vài năm qua, vốn huy động từ trái phiếu được các DN dùng để đầu tư và đầu cơ đất đai, mở rộng quỹ đất nhằm hướng tới phát triển dự án bất động sản trong tương lai. Có cả hình thức sử dụng vốn huy động trái phiếu để đảo nợ khi thị trường bất động sản chững lại và không còn dòng tiền thu từ bán hàng.
Tín dụng bất động sản lớn trong hệ thống ngân hàng cũng một phần đến từ trái phiếu DN - bởi ngân hàng là người mua lượng lớn trái phiếu này thông qua việc tài trợ cho các dự án…
Các cơ quan quản lý đều thấy những câu chuyện trên, nhận diện và đưa ra chính sách quản lý, kiểm soát để dòng vốn huy động chảy đúng hướng.
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), tính đến hết năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN được ghi nhận hơn 311.000 tỉ đồng. Trong đó, phát hành ra công chúng trị giá hơn 37.000 tỉ đồng và đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.000 tỉ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Năm 2024, sẽ có một lượng trái phiếu trị giá khoảng 280.000 tỉ đồng đáo hạn. Một khối lượng có giá trị gần tương tự sẽ đến kỳ đáo hạn năm 2025. Nhiều nhà đầu tư đến giờ vẫn chưa có niềm tin trở lại với kênh trái phiếu DN.
Nhưng câu chuyện hơn 100 DN đàm phán được giãn kỳ hạn thanh toán, đáo hạn trái phiếu với các trái chủ và quá trình đàm phán đang thuận lợi hơn... cho thấy khả năng niềm tin sẽ trở lại khi thị trường được làm sạch, loại bỏ các "mầm" độc hại.
VBMA cho biết hiện số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm. Trong tháng 12-2023, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị 545 tỉ đồng và 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1-2 năm.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, trong đó có quy định về việc ngưng hiệu lực một số quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP; cho phép các DN đàm phán với các nhà đầu tư để xử lý trái phiếu đến hạn; đồng thời áp dụng các quy định nâng chuẩn, siết chặt cả phát hành mới lẫn góp vốn của tổ chức phát hành và trái chủ… sẽ dần tạo niềm tin trở lại cho nhà đầu tư và thị trường.
Ở góc độ DN, nếu kênh trái phiếu thực sự trở lại mạnh mẽ và đáp ứng đúng vai trò kênh huy động vốn trung và dài hạn sẽ "chia lửa" cho kênh tín dụng ngân hàng vốn đang phải gánh áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế. Kênh tín dụng sẽ về đúng vai trò bổ sung, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và dịch vụ tài chính bán lẻ.
Muốn vậy, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán cần kiểm soát chất lượng phát hành, có tiêu chuẩn chọn lọc trái phiếu DN niêm yết như đối với cổ phiếu, tạo niềm tin trở lại cho nhà đầu tư, tạo minh bạch và phát triển bền vững cho thị trường.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)