Tập đoàn Syre là công ty con của Tập đoàn H&M và Công ty đầu tư công nghệ Vargas, hoạt động chính trong lĩnh vực tái chế rác thải phế liệu dệt may. Trọng tâm của doanh nghiệp là tái chế chất thải Polyester thành nguyên liệu mới cho ngành may mặc, ô tô và nội thất.

Ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, báo cáo dự án với Bộ Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng
Hiện nay, Tập đoàn Syre có nhu cầu đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 700 triệu - 1 tỉ USD.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, cho biết Tập đoàn mong muốn đầu tư dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định.
Tập đoàn cam kết ứng dụng công nghệ hiện đại đối với dự án sản xuất tái chế sợi polyester, đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về bảo vệ môi trường và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Trước đề xuất trên, về cơ bản Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ủng hộ chủ trương đầu tư của Tập đoàn Syre nhằm tăng cường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với lĩnh vực dệt may trong khuôn khổ, quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, về nguyên liệu đầu vào theo đề xuất của Công ty: Đối với quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) đây là hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định.
Đối với vải vụn (mã HS 6310) đây cũng là phế liệu trong quá trình sản xuất. Việc nhập khẩu thực hiện mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị UBND tỉnh Bình Định tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bày tỏ ủng hộ dự án, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý việc nhập khẩu tái chế, vấn đề môi trường là quan trọng nhất, vì thế, Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre áp dụng, trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm, các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án.
"Nếu Tập đoàn Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bình luận (0)