Một người quen của tôi đã đi tàu lửa từ TP HCM ra Đà Nẵng hết 17 giờ, mà tàu lắc lư, ngủ không được tròn giấc. Sợ quá nên khi từ Đà Nẵng vô lại thì anh đi máy bay.
Giờ nghe nói có tàu lửa hạng sang từ TP HCM đi Đà Nẵng, cũng mất đến 17 giờ và cũng lắc lư. Nhưng tàu được trang bị phương tiện cho người đi có thể làm việc được với máy tính. Như vậy, có lẽ chấp nhận được.
Ở Đà Nẵng mà đi Huế hay ngược lại thì có tàu 5 sao nhưng tốc độ cũng như xưa. Tuy nhiên, vì đường ngắn, nhiều cảnh đẹp, nên cũng được, chủ yếu cho du khách. Vậy tại sao lại phải cần tàu tốc độ cao đến 350 km/giờ? Mà cũng chỉ dành cho du khách.
Tôi từng đi tàu ở Malaysia. Đó là tàu chỉ chạy tốc độ tối đa 160 km/giờ, dùng mạng lưới cũ - đường ray 1 m - do thực dân Anh xây dựng hồi xưa, giống như mạng lưới ở Việt Nam do thực dân Pháp làm.
Mà hệ thống đường sắt của Malaysia rộng khắp, dài đến gần 3.000 km, không phải ít. Cũng chỉ chạy tốc độ tối đa chừng đó mà thôi. Đương nhiên, họ có đường tàu hiện đại hơn, chạy trên đường ray khổ rộng 1,4 m nhưng không nhiều, chừng 300 km.
Xem video trên YouTube cũng thấy Thái Lan dùng tàu tốc độ không cao, trên đường ray cũ 1 m và kết nối dễ dàng vào hệ thống của Malaysia.
Cả Malaysia lẫn Thái Lan đều nghèo hay giàu? Chắc chắn, không nghèo hơn Việt Nam mình nhưng họ tiết kiệm tiền và hẳn thấy chưa cần thiết phải xây dựng đường sắt 350 km/giờ.
Hơn nữa, xây trong bao lâu? 10 năm, 20 năm? Xong thì hẳn lạc hậu mất. Lúc đó, chắc phải là tàu 500 km/giờ !
Giờ nên nghiên cứu loại tàu 500 km/giờ và để sau này con cháu đủ tài lực thì làm, như thế vẫn hay hơn!
Bình luận (0)